“Nghị định là sự kết hợp Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao và Quyết định 71/2010/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư”, ông Tăng cho biết.
Đây sẽ là bước đột phá về thể chế trong việc kêu gọi dòng vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam, ông Laurence Carter, Giám đốc Cấp cao PPP Ngân hàng Thế giới đánh giá.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ Giao thông - Vận tải) chỉ tính riêng năm 2014, ngành giao thông - vận tải đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông. Tuy nhiên, phần lớn vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ và xuất phát từ các nhà đầu tư trong nước.
“Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tại các dự án giao thông là chưa đáng kể”, ông Huy cho biết.
Hai khó khăn chính được đại diện Bộ Giao thông - Vận tải nêu ra là việc các nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, vay vốn chủ yếu trong nước nên có chỉ số tín nhiệm thấp. Bên cạnh đó, họ cũng ít có kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và chưa am hiểu về đầu tư PPP, chưa đánh giá được rủi ro nên triển khai còn vướng mắc.
Một hạn chế nữa là, hành lang pháp lý hiện chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Nhiều đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, địa phương trong quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, chính sách phí trong lĩnh vực giao thông chưa hoàn thiện, chưa có mức phí hoàn vốn cho đường cao tốc, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không.
“Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ phần thiếu hụt tài chính - điều làm nên sức hấp dẫn tại các dự án PPP, BOT hiện mới dừng ở mức thí điểm”, ông Huy khẳng định.
Đây là một trong những lý do khiến cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư đặt rất nhiều kỳ vọng vào Nghị định PPP.
“Nghị định sẽ là bước đột phá về thể chế trong việc kêu gọi dòng vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam”, ông Laurence Carter, Giám đốc Cấp cao PPP, Ngân hàng Thế giới đánh giá.
Được biết, Dự thảo Nghị định PPP có 12 chương, 82 điều với các nội dung chính: các hình thức hợp đồng PPP; lĩnh vực thực hiện dự án PPP; điều kiện lựa chọn dự án; phân loại quy trình thực hiện dự án; thẩm quyền; lựa chọn nhà đầu tư PPP; nguồn vốn thực hiện dự án; ưu đãi; bảo đảm đầu tư; đầu mối thực hiện...
Hình thức lựa chọn, quy trình chi tiết, ưu đãi dành cho các nhà đầu tư cũng được quy định rõ trong Nghị định.
Nghị định PPP quy định vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án bao gồm: Góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình dự án nhằm tăng tính khả thi về tài chính đối với dự án thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận từ người sử dụng; Thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng; Hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Ngoài các hình thức ưu đãi và bảo đảm đầu tư, như ưu đãi về thuế, bảo đảm quyền thế chấp tài sản, bảo đảm cân đối ngoại tệ, bảo đảm về vốn và tài sản…, Dự thảo Nghị định bổ sung các hình thức bảo đảm khác, như Bảo đảm thực hiện quyền sử dụng đất (Điều 59), cho phép nhà đầu tư thế chấp quyền tài sản, quyền sử dụng đất và quyền kinh doanh công trình dự án (Điều 58)…
Ngoài ra, nhà đầu tư lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi, Đề xuất dự án được ưu đãi trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu dự án PPP theo quy định tại Điều 3, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
“Nghị định mới về thu hút đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức sẽ là động lực lớn cho sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đánh giá.
Anh Minh
Người đăng: T.An