(MPI Portal) – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014. Trong đó, quý I tăng 6,12%, quý II tăng 6,47%, quý III tăng 6,87%, quý IV tăng 7,01%.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Mức tăng trưởng năm 2015 cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Trong mức tăng 6,68% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm 2014, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp có mức tăng cao nhất với 7,69%, nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành nông nghiệp mặc dù tăng thấp ở mức 2,03% do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, nhưng quy mô trong khu vực lớn nhất (chiếm khoảng 75%) nên đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,80%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm, là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành này trong 5 năm qua do đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,39% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,60%, cao hơn nhiều mức tăng của một số năm trước, đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng của khu vực II và góp phần quan trọng trong mức tăng trưởng chung. Ngành khai khoáng tăng 6,50%. Ngành xây dựng đạt mức tăng 10,82% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 9,06% so với năm 2014, đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,38%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm; Hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện hơn với mức tăng 2,96%, cao hơn mức tăng 2,80% của năm trước và chủ yếu tập trung vào mua nhà ở, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014. Cơ cấu nền kinh tế năm 2015 tiếp tục có sự chuyển dịch nhưng tốc độ chậm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,00%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,25%; Khu vực dịch vụ chiếm 39,73% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 10,02%). Cơ cấu tương ứng của năm 2014 là: 17,70%; 33,21%; 39,04% (thuế là 10,05%).
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2015, tiêu dùng cuối cùng tăng 9,12% so với năm 2014, đóng góp 10,66 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Tích lũy tài sản tăng 9,04%, đóng góp 4,64 điểm phần trăm; Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 8,62 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
các năm 2013, 2014 và 2015
|
Tốc độ tăng so với
năm trước (%)
|
Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng năm 2015
(Điểm phần trăm)
|
|
Năm 2013
|
Năm 2014
|
Năm 2015
|
Tổng số
|
5,42
|
5,98
|
6,68
|
6,68
|
Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
|
2,63
|
3,44
|
2,41
|
0,40
|
Công nghiệp và xây dựng
|
5,08
|
6,42
|
9,64
|
3,20
|
Dịch vụ
|
6,72
|
6,16
|
6,33
|
2,43
|
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sp
|
6,42
|
7,93
|
5,54
|
0,65
|
Nhìn chung, triển vọng của kinh tế nước ta trong những năm tới có nhiều yếu tố tích cực nhưng các ngành, các cấp và các địa phương phải nhận thức đúng và đủ những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục vượt qua, đồng thời chủ động tận dụng cơ hội nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo.
Trong đó, cần tập trung vào những công việc trọng tâm: Một là, tiếp tục kiểm soát lạm phát để chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước, đồng thời tránh không để xảy ra tình trạng điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ gây cú sốc lên lạm phát. Hai là, các doanh nghiệp trong nước, gồm cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xác định rõ việc Việt Nam tham gia TPP không chỉ đối mặt với thách thức mà còn là cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá và khẳng định sản phẩm của mình ra thị trường thế giới. Ba là, một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp đứng vững khi tham gia cạnh tranh với các nước trong giai đoạn hội nhập là xây dựng định hướng cụ thể về thị trường đầu ra trên cơ sở đẩy mạnh mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm nông sản sạch theo các hợp đồng bao tiêu ổn định và có tính pháp lý cao./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người đăng: Phông