(Chinhphu.vn) - Tại Thông báo 350/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.
Ảnh minh họa
Theo thông báo kết luận, đổi mới khu vực sự nghiệp công là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Quan điểm, chủ trương, mục đích, yêu cầu đã được thể hiện rõ trong các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị, do đó cần thể hiện quyết tâm chính trị trong ban hành và thực hiện chính sách về việc này.
Đổi mới khu vực sự nghiệp công là thúc đẩy các sự nghiệp phát triển mạnh mẽ, phục vụ nhân dân tốt hơn cả về số lượng và chất lượng dịch vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xóa bỏ tình trạng bao cấp tràn lan; huy động được các nguồn lực của xã hội để từ đó tái cơ cấu và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính là một nội dung đặc biệt quan trọng trong đổi mới khu vực sự nghiệp công. Trong quá trình này, cần chú ý có những quy định ưu đãi và có lộ trình hợp lý để các đơn vị sự nghiệp đổi mới, vừa phải có những điều kiện, chế tài để các cơ quan chủ quản và các đơn vị sự nghiệp phải nhanh chóng đổi mới.
Do vậy, nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về nội dung quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế và cơ chế quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Trong đó, về biên chế, nghiên cứu theo hướng có quy định tổng mức biên chế hoặc ràng buộc điều kiện để đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm trong quản lý số lượng biên chế.
Về cơ chế tài chính, cần có quy định về tổng hợp các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp, trong đó nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cũng được coi là một nguồn thu, để phân loại và quy định mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công.
Đối với tiền lương, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu tiến tới ban hành bảng lương riêng cho khu vực sự nghiệp, trên cơ sở tính đủ theo nhu cầu tối thiểu. Trong khi chưa ban hành được bảng lương riêng, nên có quy định mức trần tối đa (có thể cao nhất như doanh nghiệp nhà nước), căn cứ kết quả hoạt động và dịch vụ cung cấp của đơn vị sự nghiệp, đơn vị được quyết định mức chi trả tiền lương theo mức độ tự chủ, nhưng không quá trần tối đa.
Đối với tiền thưởng, nghiên cứu để bổ sung quy định về chế độ tiền thưởng trên cơ sở tham khảo cơ chế thưởng của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, tiền lương và cơ chế quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, chuyển Bộ Tài chính để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Bộ Tài chính nghiên cứu quy định về điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp (nên tách bạch tránh hiểu chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là cổ phần hóa) và cơ chế vận dụng cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.
Phan Hiển
Người đăng: T.An