Nghị định PPP đã tiếp thu tinh thần và quy định của Luật Đầu tư công để có những quy định phù hợp
đối với thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án
Ảnh: Lê Tiên
Về nội dung BCNCKT, có thể thấy rõ tư duy mới trong Nghị định PPP theo hướng Nhà nước tập trung quản lý chất lượng “đầu ra” của công trình, dịch vụ công bằng việc yêu cầu thuyết minh các nội dung về “chất lượng công trình dự án, sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp”, về “phương án tổ chức quản lý, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ”. Bên cạnh đó, BCNCKT cũng yêu cầu phải thể hiện được rõ phương án tài chính của dự án. Ngoài ra, một nội dung mới và quan trọng yêu cầu trong quá trình nghiên cứu tính khả thi của dự án là phải “đánh giá nhu cầu, khả năng thanh toán của thị trường; khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án”; đồng thời phải “phân tích rủi ro, trách nhiệm của các bên về quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện dự án”. Thực hiện những nội dung này sẽ đảm bảo tính khả thi và hấp dẫn đối với một dự án PPP trước khi đưa ra thị trường, thu hút đầu tư.
Theo các quy định tại các văn bản pháp luật về PPP trước đây như Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, Nghị định số 24/2011/NĐ-CP (về BOT, BTO và BT) hay Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg (về PPP nói chung), nội dung BCNCKT của dự án yêu cầu phải căn cứ chủ yếu vào “những nội dung được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng”. Quy định này không đảm bảo tính chính xác và khoa học vì cấu phần xây dựng trong cả một quy trình đầu tư dự án PPP (tính cả vòng đời dự án) hoặc chỉ là một giai đoạn ngắn hoặc không có (ví dụ như đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng O&M). Do đó, Nghị định PPP đã gỡ bỏ tư duy “lệ thuộc” vào các quy định đối với BCNCKT theo pháp luật về xây dựng bằng việc quy định rõ: Đối với dự án có cấu phần xây dựng, ngoài nội dung quy định đối với dự án PPP nói chung, BCNCKT bao gồm thiết kế theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Một quy định khác trong Nghị định PPP được đánh giá phù hợp trong điều kiện Việt Nam hiện nay là việc “không yêu cầu lập BCNCKT nhưng phải có thiết kế cơ sở và phương án tài chính trong đề xuất dự án làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án” đối với dự án PPP thuộc nhóm C (có quy mô nhỏ). Quy định này sẽ giản lược chi phí, thời gian và thủ tục đầu tư cho các dự án PPP có quy mô nhỏ. Như vậy, Nghị định PPP sẽ giúp các dự án PPP quy mô nhỏ có hành lang pháp lý vững chắc và vẫn đảm bảo tính “gọn, nhẹ” trong quy trình thủ tục đầu tư.
Nghị định PPP cho phép cơ quan thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
chủ động thực thi nhiệm vụ của mình đảm bảo chất lượng yêu cầu
Ảnh: LTT
Về các quy định đối với việc thẩm định và phê duyệt BCNCKT, Nghị định PPP đã tiếp thu tinh thần và quy định của Luật Đầu tư công (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015) để có những quy định phù hợp đối với thẩm quyền thẩm định, phê duyệt BCNCKT. Ngoài ra, bên cạnh việc quy định rõ các nội dung thẩm định, Nghị định PPP cho phép Cơ quan thẩm định được thuê tư vấn thẩm định một phần hoặc toàn bộ các nội dung cần thẩm định để các cơ quan thẩm định chủ động thực thi nhiệm vụ của mình đảm bảo chất lượng yêu cầu.
Việc chuyển đổi tư duy từ “quản lý đầu vào” sang “quản lý đầu ra” đối với các dự án PPP không những đảm bảo tính khả thi trong suốt vòng đời dự án, chia sẻ hợp lý các rủi ro của dự án giữa Nhà nước và nhà đầu tư, mà còn làm tăng tính chủ động, phát huy năng lực đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành dự án của nhà đầu tư. Sự thay đổi này là yếu tố quan trọng để hài hòa sự quan tâm của phía Nhà nước là đảm bảo chất lượng công trình, dịch vụ công và mong muốn của nhà đầu tư là tối đa hóa lợi nhuận đầu tư.
Việt Dũng
Người đăng: T.An