Chúng tôi không có điều kiện nhiều để nghiên cứu có hệ thống về lý luận đạo đức cách mạng. Nhưng từ thực tế cuộc sống và cơ quan công tác, chúng tôi xin có đôi điều sy nghĩ như sau:
Nói về đạo đức cách mạng thì gần gũi nhất, ấn tượng nhất là đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ là lãnh tụ, nhà tư tưởng lớn luôn quan tâm hàng đầu đến vấn đề đạo đức. Tư tưởng đạo đức của Người là sự kết hợp giữa truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc với tinh hoa đạo đức nhân loại; giữa truyền thống với hiện đại. Người là tấm gương về lòng nhân ái.
Chúng tôi nghĩ, con người chúng ta trước tiên nếu không có lòng nhân ái thì cũng khó tiếp cận xây dựng đạo đức con người nói chung (chứ chưa nói đến đạo đức cách mạng – một cấp độ cao hơn so với đạo đức thuần túy).
Nói chuẩn mực đạo đức cách mạng trước hết là Trung với nướ, Hiếu với dân. Nhưng nếu cha mẹ, anh, vợ con, bạn bè, hàng xóm của anh mà anh chẳng coi ra gì; anh sống vị kỷ, chỉ biết đòi hỏi người khác phục vụ cho lợi ích của mình, không quan tâm đến lợi ích của người khác thì làm sao “Hiếu với dân” được!
Cần – Kiệm – Liêm – Chính – Chí công – Vô tư cũng là đạo đức cách mạng. Nhưng có người lại lựa việc, lựa người, bè cánh, thủ đoạn, trù dập người tài, ngưới yếu thế… thì làm sao “Chí công – Vô tư” được!
Vì thế, muốn học và làm theo Bác thì cần phải quan tâm đến một số việc cụ thể sau đây:
- Cần phải giáo dục, bồi dưỡng lòng nhân ái, đức hy sinh cho mỗi người từ khi còn nhỏ, chứ không phải khi trưởng thành mới chăm lo.
- Tổ chức, cơ quan, đơn vị phải tạo ra môi trường, điều kiện để cho cán bộ, đảng viên sống trong tình đoàn kết, nhân ái. Khó khăn gian khổ thì cán bộ, đảng viên phải là người đi trước để làng nước theo sau học tập.
- Cần phải “tiết dục” – hạn chế lòng tham thì mới có thể tiếp cận được đạo đức. Ham muốn chính đáng là điều đáng quý, nhưng lòng tham thì dễ làm mờ mắt nhiều người, dễ làm cho nhiều người tự đánh mất nhân cách, đạo đức.
Muốn tuyên truyền cho đạo đức thì trước hết mình phải sống cho có đạo đức. Công luận rất sòng phẳng khi đánh giá mọi người, dù người đó có dùng “kỹ xảo” để tự “đánh bóng mình”, che đậy mình, thì sớm muộn cũng bị phơi bày ra ánh sáng.
- Nói phải đi đôi với làm. Người xưa có câu: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu hậu, thiên hạ nhi lạc chi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Ngày nay có câu: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Nhưng không chỉ “lo nói” mà cần phải “lo làm”. Việc gì có hại cho người khác (mà quyền lợi của họ chính đáng) thì hại nhỏ cũng không nên làm. Phải đặt mình trong điều kiện, hoàn cảnh của người khác thì mới thật tĩnh tâm xử lý thỏa đáng mọi việc.
- Cuối cùng, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của bản thân thì cơ quan, đơn vị, xã hội cũng phải tạo môi trường, điều kiện cho mọi người nâng cao đạo đức cách mạng.
Nguyễn Thái An, - Bùi Xuân Vinh
Nguồn: Tạp chí Khoa Học Thời Đại
Người biên: T.An