Được sự phân công ban cán sự Đảng UBND tỉnh
Đồng chí Võ Sá báo cáo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đ/c Võ Sá Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Nội dung báo cáo gồm những nôi dung trọng tâm như sau:
I. Quan điểm, mục tiêu, các đột phá phát triển
1. Quan điểm phát triển
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía nam; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thích nghi tốt trước những thay đổi khó lường trên thế giới.
Phát huy các lợi thế chiến lược (đất đai và vị trí địa lý) trong xu hướng dịch chuyển và lan tỏa của vùng, giải quyết những nút thắt chiến lược để đưa tỉnh Bình Phước từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và sự lan tỏa của địa phương kết nối với Tây nguyên. Phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển cho tam giác động lực: Đồng Xoài – Đồng Phú – Chơn Thành.
Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo đà để nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng; chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và năng lực hội nhập quốc tế; tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, hợp lý và khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong tỉnh để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, góp phần vào việc hoàn thành 17 chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã được xác định cho cả nước.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
2. Mục tiêu phát triển
2.1 Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ.
Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh và văn minh.
2.2 Mục tiêu cụ thể
1) Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,5%, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 8%, giai đoạn 2026-2030 đạt 9%.
2) Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP:
- Đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 34%; nông nghiệp lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 18%.
- Đến năm 2030: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 11%.
3) GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt 104 triệu đồng (4.500 USD); năm 2030 đạt 162 triệu đồng (7.000 USD).
4) Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7%/năm.
5) Thu ngân sách nhà nước vào năm 2025 đạt 19.500 tỷ đồng, năm 2030 đạt 30.000 tỷ đồng.
6) Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 là 600 nghìn tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021-2025 là 210 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 390 nghìn tỷ đồng.
7) Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD; đến năm 2030 đạt 8-9 tỷ USD.
8) Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 42%, đến năm 2030 đạt 50%
9) Số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ 2021-2030 là 15.000 doanh nghiệp.
10) Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, ICT Index đến năm 2025 đứng thứ 35; đến năm 2030 đứng thứ 25 so với cả nước.
11) Khách du lịch đến năm 2025 đạt 02 triệu lượt khách; năm 2030 đạt 3,5 triệu lượt khách.
12) Đến năm 2030, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.
13) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 70%; đến năm 2030 đạt 90%.
14) Phấn đấu đạt 10 bác sĩ và 32 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025; 12 bác sỹ và 32 giường bệnh/vạn dân vào năm 2030.
15) Trong giai đoạn 2021 – 2030, mức tăng dân số bình quân hàng năm đạt từ 1,4-2%.
16) Đến năm 2030, tạo việc làm mới cho 200 nghìn lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%.
17) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 70%, năm 2030 đạt 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ năm 2025 đạt 30%, năm 2030 đạt 40%.
18) Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 đạt < 1%, năm 2030 đạt < 0,5%.
19) Đến năm 2030, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100%.
20) Đến năm 2030, 100% các khu, cụm công nghiệp, đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.
21) Đến năm 2030, tỷ lệ độ che phủ rừng và cây lâu năm đạt khoảng 65%.
22) Phát triển các tuyến giao thông nhằm kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương khác (đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, tuyến đường phía Tây QL13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư, tuyến ĐT.753, ...), hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục hành lang phát triển của tỉnh.
23) Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện.
3. Các định hướng lớn tạo đột phá phát triển
a) Ba ngành kinh tế quan trọng: (1) Công nghiệp: chủ yếu là công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp vật liệu xây dựng, Công nghệ thông tin; (2) Nông nghiệp: chủ yếu là trồng chế biến và tiêu thụ điều, cao su, cây ăn trái, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; (3) Thương mại – Dịch vụ: chủ yếu là phân phối, bán lẻ, vận tải, logistic, hạ tầng thương mại, dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn, sân golf.
b) Ba khâu đột phá chiến lược: (1) về kết cấu hạ tầng; (2) về phát triển nguồn nhân lực; (3) về cải cách thủ tục hành chính.
c) Ba vùng động lực:
-Vùng phía Nam: Đây là trung tâm kinh tế động lực và là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh bao gồm tam giác phát triển Đồng Xoài - Chơn Thành - Đồng Phú. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
- Vùng phía Tây:Bao gồm Hớn Quản, Bình Long và Lộc Ninh với hạt nhân phát triển là TX Bình Long. Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ để đón sự lan tỏa từ Chơn Thành và Bình Dương.
- Vùng phía Đông Bắc: Bao gồm Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phước Long, Phú Riềng, Bù Đăng với hạt nhân phát triển là TX. Phước Long. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm rau, củ, quả, hoa và cây cảnh.
d) Ba trục phát triển và một vành đai an sinh xã hội:
- Trục phía Đông:Chơn Thành - Bù Đăng, trọng tâm là QL14, cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa và đường phía Đông Nam QL14.Trục phá triển kinh tế lớn nhất của tỉnh, phát triển không chỉ dọc theo QL14, thành phố Đồng Xoài, và còn theo cao tốc Bắc Nam phía Tây CT02 và các tuyến đường giao thông đang được quy hoạch và triển khai trong tương lai.
- Trục phía Tây:Hành lang phát triển công nghiệp gắn với QL13 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành, kết nối lên KKT cửa khẩu Hoa Lư. Có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với việc thực hiện đường sắt xuyên Á dự kiến đoạn Dĩ An - Lộc Ninh. Tập trung phát triển KCN, CCN để đón nhận sự lan tỏa từ Bình Dương. Ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, điện tử, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phát triển mạnh các dịch vụ logistics, kho bãi, du lịch di tích lịch sử, văn hóa.
- Trục trung tâm: Hành lang kinh tế gắn với ĐT741, kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với QL14 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Phát triển công nghiệp - đô thị, thương mại dịch vụ. Phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ với trọng tâm là các dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sân golf tại khu vực huyện Đồng Phú và thị xã Phước Long.
- Vành đai an sinh xã hội: Dọc theo QL14C, ĐT760 kết nối Đông Tây từ Lộc Ninh sang Bù Đăng đi qua các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập. Tập trung thu hút và phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn, với quy mô lớn. Vành đai an sinh và các hoạt động về bảo tồn và đa dạng sinh học sẽ được triển khai theo nguyên tắc bảo đảm đời sống và an sinh xã hội của những hộ gia đình trên địa bàn các huyện. Đời sống vật chất và tinh thần của các hộ gia đình ngày càng được nâng cao theo các chủ trương và chính sách chung của cả nước và đặc thù của tỉnh.
đ) Bốn trung tâm đô thị: (1) Thành phố Đồng Xoài; (2) Thị xã Bình Long; (3) Thị xã Phước Long; (4) Thị xã Chơn Thành.
e) Sáu nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tập trung cao độ để hoạch định chiến lược và hệ thống chính sách phát triển, quy hoạch phát triển tỉnh một cách toàn diện, đồng bộ để phát huy thế mạnh của tỉnh; (2) Tăng cường thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng, khắc phục được bất lợi do vị trí xa trung tâm, đây là yếu tố quyết định đến sự phát triển của tỉnh và của vùng; (3) Khắc phục điểm yếu về hạ tầng xã hội, để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, du lịch; (4) Tập trung phát triển nguồn nhân lực; (5) Xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; (6) Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
II. Phương án phát triển các ngành, lĩnh vực và kết cấu hạ tầng
1. Công nghiệp
Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, phụ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu, công nghệ thông tin… Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ. Mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.
Phát triển công nghiệp cần gắn chặt với nhu cầu thị trường, tập trung chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào gia công thô, phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao. Ưu tiên thu hút theo cụm ngành, có tính liên kết cao, tham gia vào giá trị toàn cầu, giải quyết việc làm tại chỗ; đồng thời tận dụng tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo; bảo vệ môi trường; tiết kiệm tài nguyên.
2. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Phát triển nông nghiệp toàn diện với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Tỉnh.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Thương mại – Dịch vụ
Phát triển thương mại, dịch vụ kịp thời để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển vùng Đông Nam bộ; tổng hòa các mối liên kết, hỗ trợ phát triển và quan hệ hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực trên cơ sở phân bố hợp lý về không gian lãnh thổ và cơ cấu ngành thương mại – dịch vụ nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên và hệ thống cửa khẩu.
Tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển thương mại – dịch vụ tỉnh Bình Phước cả về số lượng và chất lượng; xây dựng cấu trúc ngành và phân bố không gian phát triển hợp lý; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thương mại – dịch vụ bền vững, phù hợp với mục tiêu Bình Phước trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại của vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu nông sản của tỉnh, phát triển xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tăng cường đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
4. Du lịch
Phát triển du lịch phải chú trọng sự gắn kết và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành kinh tế khác, du lịch phát triển sẽ góp phần tăng cường sự giao thương trong xã hội từ đó thúc đẩy việc thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho địa phương.
Xác định việc đầu tư các sản phẩm du lịch phải có tính đặc trưng, khác biệt; đối với sản phẩm du lịch mới phải hiện đại, phù hợp với thế giới nhằm hướng tới thị trường khách du lịch riêng có để định hướng đầu tư và kêu gọi đầu tư một cách đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng du lịch theo từng giai đoạn.
Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; lấy sự hài lòng của du khách và phúc lợi cho người dân tham gia làm du lịch làm mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Không ngừng hoàn thiện các sản phẩm, các tua, tuyến du lịch làm động lực cho các hoạt động liên kết phát triển vùng.
5. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Phát triển KHCN & ĐMST là một ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò chiến lược, động lực thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh trong các ngành trọng điểm của tỉnh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát triển KHCN có trọng tâm, trọng điểm cho các lĩnh vực ưu tiên theo NQ Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Vai trò của KHCN & ĐMST đóng góp vào tăng năng suất, giá trị và hiệu quả (chất lượng) dựa vào nguồn lực (con người, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên…) có sẵn của địa phương, tiếp cận thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với xu thế hội nhập toàn cầu, liên kết hợp tác trong nước và quốc tế.
6. Giáo dục và Đào tạo
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giáo dục và đào tạo cần được xem là động lực quan trọng hàng đầu của quá trình phát triển của tỉnh. Tập trung đổi mới nhưng phải bảo đảm tính kế thừa, phát huy những thành tựu giai đoạn trước, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của các địa phương trong cả nước; đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, ở các cấp học, bậc học. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chú trọng chất lượng và hiệu quả giáo dục.
7. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Phát triển y tế phải đảm bảo tính kế thừa trong xây dựng quy hoạch. Phát triển hệ thống Y tế đồng bộ, cân đối giữa y tế dự phòng và điều trị; giữa y tế phổ cập, y tế cộng đồng và y tế chuyên sâu; chú trọng phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập thực hiện phương châm mọi người dân trong tỉnh đều được tiếp cận thuận lợi với dịch vụ CSSK, đáp ứng nhu cầu CSSK và khám chữa bệnh cho công nhân các khu công nghiệp ngay tại tỉnh. Xây dựng một hệ thống y tế đáp ứng với dịch bệnh trong tình hình mới.
8. Văn hóa, thể thao
Phát triển văn hóa, thể thao là nhằm xây dựng nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vừa không ngừng tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại; chú trọng tính đặc thù, tính đa dạng giữa các vùng, miền và các dân tộc.
9. Phát triển kết cấu hạ tầng
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nhất là cao tốc CT30 TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc CT02 Đắk Nông – Chơn Thành; tuyến giao thông ĐT753 kết nối với sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép, Thị Vải; đường Đồng Phú – Bình Dương. Phát triển hệ thống đường giao thông liên huyện, trong đó mở mới đường Minh Lập – Phú Riềng quy mô 4 – 6 làn xe để kết nối Phước Long – Phú Riềng với cao tốc CT30 TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; chú trọng phát triển, kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch; đảm bảo việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến giao thông trên địa bàn. Phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt và dịch vụ logistics.
Ưu tiên phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Phát triển mạng lưới truyền tải điện vào nhà máy, khu, cụm công nghiệp, phục vụ cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Xây dựng các dự án xử lý rác thải tập trung, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống khai thác, cung cấp nước sinh hoạt, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Phát triển hạ tầng xã hội đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển và cải thiện đời sống nhân dân. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hệ thống trường học trong tỉnh, đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục. Đầu tư phát triển các cơ sở y tế bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo quy hoạch phát triển dân cư.
10. Quốc phòng và an ninh
Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
III. Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội
1. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị
Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa ưu tiên phát triển các đô thị mới với cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị hiện có; bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy; phát triển các đô thị mới theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh. Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. Xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.
2. Phương án quy hoạch phát triển nông thôn
Phát triển nông thôn phải gắn với xây dựng nông thôn mới, để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, qua đó cải thiện chất lượng nhà ở và cuộc sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Phát triển nông thôn cần đảm bảo khả năng tiếp cận của dân cư đến các hạ tầng xã hội thiết yếu như trạm y tế, trường học, chợ. Tại các xã có quy mô lớn, dân số ít và bố trí thưa thớt, tổ chức 1 trung tâm cụm xã trên cơ sở trung tâm của 1 xã tạo thành trung tâm dịch vụ và kinh tế, sao cho bán kính phục vụ từ trung tâm này đến các điểm dân cư xa nhất không quá 10km.
3. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh kế, cụm công nghiệp, khu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Phát triển các KCN, KKT, CCN, khu KHCN&ĐMST đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Phát huy các lợi thế của tỉnh về nguồn lực đất đai và vị trí trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ để phát triển đồng bộ, hiệu quả và nhanh chóng các KCN, KKT, CCN, khu KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
4. Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai
Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý. Bình Phước sở hữu quỹ đất dồi dào là thế mạnh chiến lược. Việc quy hoạch sử dụng đất cần thực hiện bám sát nhu cầu thực tế tại địa phương, tôn trọng quy luật thị trường và khắc phục những hạn chế của thị trường, đồng thời đảm bảo đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội và văn hóa theo Nghị quyết của trung ương và tình hình thực tế.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong cơ cấu sử dụng đất cần dành một tỷ lệ thích hợp để phát triển KCN, CCN đáp ứng các yêu cầu phát triển lâu dài, tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
Sử dụng hợp lý các loại đất chuyên dùng, đất ở trong khu dân cư đô thị và nông thôn theo tiến trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cùng với việc bố trí hợp lý đất ở, đất sản xuất cho các khu vực nông thôn để ổn định đời sống dân cư.
IV. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khai thác sử dụng tài nguyên; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
a) Bảo vệ môi trường: Phân vùng bảo vệ môi trường tỉnh Bình Phước thành ba vùng: (1) vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm:
Khu dân cư tập trung ở đô thị; Nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; Các khu bảo tồn thiên nhiên; Các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; (2) Vùng hạn chế phát thải bao gồm: Các vùng đệm của các khu bảo tồn; Vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn tỉnh; Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt cho cấp nước sinh hoạt; Khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị củacác đô thị được quy hoạch loại IV và V; (3) Vùng khác bao gồm các khu vực còn lại, trong đó đáng chú ý là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề có khả năng gây ô nhiễm cao.
b) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Quy hoạch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 05 khu bảo tồn, bao gồm: VQG Bù Gia Mập; rừng đặc dụng thuộc VQG Cát Tiên; Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Núi Bà Rá; khu bảo tồn đất ngập nước nội địa Sông Bé – Hồ Thác Mơ và khu bảo tồn đất ngập nước nội địa Sông Sài Gòn - Hồ Dầu Tiếng (theo Quy hoạch bảo tồn quốc gia tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ).
2. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên
Các phương án quản lý, bảo vệ và hoạt động khoáng sản được áp dụng theo Quyết định Số 05/2022/QĐ-UBND, của UBND tỉnh Bình Phước ngày ngày 31 tháng 3 năm 2022 về việc Ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình phước. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý, bảo vệ và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có phân công, phân cấp cho các ngành, các cấp theo quy định của pháp luật.
3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chóng khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra
Phát triển tài nguyên nước của tỉnh một cách hợp lý, ổn định và có tính bền vững cao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho dân sinh và các ngành kinh tế, đồng thời giải quyết vấn đề về môi trường nước và các vấn đề về phòng, chống và giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông thuộc địa bàn tỉnh.
4. Phương án phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là các hồ đập, các khu cấp nước tập trung đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động của thiên tai.
V. Danh mục các dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên
- Ưu tiên dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc Chơn Thành – Đắc Nông; đường Đồng Phú – Bình Dương; nâng cấp, mở rộng ĐT753 kết nối với sân bay quốc tế Long Thành tỉnh Đồng Nai và cảng Cái Mép tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; các dự án đường kết nối vùng động lực tam giác phát triển (Thành phố Đồng Xoài, Thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú).
- Bố trí vốn hợp lý cho các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp; hạ tầng khu kinh tế; hạ tầng nông nghiệp; hạ tầng ngành giáo dục, đào tạo nghề; hạ tầng ngành y tế; hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; dự án có yêu cầu vốn đối ứng của tỉnh.
VI. Giải pháp nguồn lực thực hiện quy hoạch
1. Giải pháp huy động vốn đầu tư
Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội để tổ chức thực hiện bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến khoảng 600 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 14,5%; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 210 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 390 nghìn tỷ đồng.
a) Huy động vốn ngân sách nhà nước: Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh. Tập trung nhân lực, vật lực để đảm bảo việc huy động nguồn vốn đầu tư từ nguồn lực đất đai theo đúng tiến độ đề ra và đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
b) Huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước: Tiếp tục khẳng định huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng, chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 – 2030. Xây dựng các cơ chế, chính sách huy động nguồn thu để huy động các nguồn vốn đa dạng như: nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư thời kỳ hậu Covid-19, kiều hối và kêu gọi đóng góp đầu tư của người dân Bình Phước xa quê và các nguồn khác. Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, đào tạo nghề, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ...
2. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết. Phối hợp với các tỉnh xây dựng các chương trình hợp tác song phương và đa phương; đề xuất xây dựng chương trình phối hợp hành động chung giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và tây nguyên. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, thâm nhập và mở rộng thị trường. Xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác, địa phương nước ngoài. Tăng cường tham gia của Bình Phước trong cơ chế hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, đặc biệt là trong triển khai Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030.
3. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
4. Nhóm giải pháo về môi trường, khoa học và công nghệ
Thường xuyên rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy định, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của đảng, nhà nước về BVMT phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường.
Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường chi cho đầu tư khoa học công nghệ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của các cấp, các ngành. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
5. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
Đổi mới tư duy và nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch xây dựng, trong đó cần phải xác định quy hoạch là một quá trình liên tục, thông suốt quản lý từ bước lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đến triển khai thực hiện.
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tiếp tục hoàn thiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.
6. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
Phổ biến và vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện quy hoạch. Triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hàng năm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý thực hiện quy hoạch.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Nguồn: Sưu tầm
Người đăng: L.V.H