Để thực hiện Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu như sau:
1. Nguyên tắc chung:
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu thực hiện trước. Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.
Việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; đảm bảo tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.
2. Cơ sở pháp lý để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau khi có quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm hoặc đồng thời với quá trình lập dự án, dự toán mua sắm; căn cứ quyết định chủ trương đầu tư, chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án (trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư) phê duyệt các gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.
3. Nội dung lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
Chủ đầu tư, bên mời thầu lập đảm bảo đầy đủ các nội dung sau:
a) Mô tả tóm tắt dự án: Tên dự án, tổng mức đầu tư, tên chủ đầu tư, nguồn vốn, thời gian thực hiện, địa điểm, quy mô dự án, các thông tin khác (nếu có).
b) Phần công việc đã thực hiện: Lập theo bảng số 1 Mẫu số 1 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
c) Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu: Theo bảng số 2 Mẫu số 1 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
d) Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Theo bảng số 3 Mẫu số 1 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ đầu tư, bên mời thầu phải làm rõ nội dung của kế hoạch lựa chọn nhà thầu, cụ thể:
- Giải trình cơ sở phân chia dự án thành các gói thầu.
Việc phân chia dự án thành các gói thầu phải căn cứ vào nội dung dự án, tính chất của công việc, trình tự thực hiện theo thời gian và theo các nguyên tắc; đảm bảo tính đồng bộ về mặt kỹ thuật và công nghệ của dự án thành các gói thầu, không được chia những công việc của dự án thành các gói thầu quá nhỏ, làm mất sự thống nhất, đồng bộ về kỹ thuật và công nghệ; đảm bảo tiến độ thực hiện, quy mô hợp lý (phù hợp với điều kiện của dự án, năng lực của nhà thầu hiện tại và phù hợp với sự phát triển của thị trường trong nước).
- Tên gói thầu: Phải thể hiện đầy đủ nội dung, phạm vi tính chất công việc của gói thầu; trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì tên gói thầu thể hiện cơ bản của từng phần.
- Giá gói thầu: Được xác định trên tổng mức đầu tư dự án hoặc dự toán (nếu có); giá gói thầu phải được tính đúng, tính đủ để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng. Giá gói thầu được cập nhật trong thời gian 28 ngày trước ngày mở thầu (nếu cần thiết).
- Nguồn vốn: Đối với nguồn vốn phải nêu rõ nguồn vốn, phương thức thu xếp vốn, thời gian cấp vốn để thanh toán cho nhà thầu.
- Hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu: Mỗi gói thầu phải nêu rõ hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu; đối với các gói thầu đủ điều kiện tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng thì bắt buộc phải thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, đảm bảo đúng kế hoạch, lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu: Tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Chủ đầu tư xác định phù hợp chung với thời gian thực hiện dự án.
- Loại hợp đồng: Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói. Đối với gói thầu quy mô lớn (trên 20 tỷ đồng) nếu áp dụng hợp đồng trọn gói thì không phải nêu lý do, nếu áp dụng hình thức theo đơn giá điều chỉnh thì chủ đầu tư phải giải trình, nêu lý do cụ thể áp dụng loại hình này.
- Thời gian thực hiện hợp đồng: Trên cơ sở khối lượng công việc của gói thầu, chủ đầu tư xác định đảm bảo và phù hợp với thời gian thực hiện dự án và kế hoạch vốn.
đ) Phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có): Theo bảng số 4 Mẫu số 1 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó: Phần chưa đủ điều kiện chủ đầu tư, bên mời thầu phải nêu cụ thể nguyên nhân, lý do các công việc chưa đủ điều kiện.
e) Tổng giá trị các công việc: Theo bảng số 5 Mẫu số 1 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tổng giá trị các phần công việc quy định tại các điểm b, c, d, đ không được vượt tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt.
4. Thành phần, số lượng hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt:
Được ban hành kèm theo Quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh quy định cụ thể trong Bộ thủ tục hành chính công khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, cụ thể:
+ Tờ trình (02 bản chính).
+ Quyết định phê duyệt dự án (đối với dự án đầu tư) hoặc quyết định phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí đối với dự án quy hoạch (02 bản sao).
+ Hồ sơ, quyết định phê duyệt dự án, dự toán và hồ sơ dự toán được phê duyệt, trường hợp đã phê duyệt dự toán (02 bản sao).
+ Các tài liệu chứng minh nguồn vốn cho dự án; các văn bản chỉ đạo, kết luận của cấp có thẩm quyền liên quan (nếu có), (02 bản sao).
5. Tổ chức thực hiện:
a) Đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu:
- Chịu trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.
- Chịu trách nhiệm tính chính xác các nội dung, số liệu trình thẩm định và phải thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 74, Điều 75 của Luật Đấu thầu. Khi phân chia dự án thành các gói thầu (gói thầu xây lắp, thiết kế, giám sát) phải giải trình lý do, nguyên nhân chia dự án thành nhiều gói thầu (không phân chia dự án thành các gói thầu nhỏ với mục đích chỉ định thầu).
- Chịu trách nhiệm lập, trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu phù hợp với dự án, hạn chế việc phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu (không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án nhiều lần trái quy định của pháp luật về đấu thầu).
- Đối với các gói thầu đủ điều kiện, chủ đầu tư, bên mời phải thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng đảm bảo đúng kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt.
b) Đối với cơ quan thẩm định:
- Không tiếp nhận, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu với nội dung, số liệu, hồ sơ không phù hợp; kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh, bổ sung khi chủ đầu tư chậm triển khai, thực hiện làm các nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt không còn phù hợp.
- Không tiếp nhận kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các dự án lập cho một hoặc một số gói thầu thực hiện trước mà chủ đầu tư, bên mời thầu phân tích, giải trình không phù hợp với quy định; các gói thầu thực hiện trước khi phê duyệt dự án mà chủ đầu tư, bên mời thầu chưa lập, thẩm định phê duyệt theo quy định.
- Chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt đấu thầu qua mạng các gói thầu đủ điều kiện lựa chọn nhà thầu qua mạng mà chủ đầu tư, bên mời thầu không thực hiện.
Toàn văn file hướng dẫn.
Người đăng: Phông