Phát biểu trong phiên thảo luận dự án Luật Đầu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự án luật vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm nạn thông thầu, đội giá sau khi trúng thầu.
Cụ thể về xử lý gian lận trong đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu việc xử phạt bằng bồi thường, phạt tiền thì nhẹ, mà phải xử lý theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng.
“Đối với các dự án nâng giá thầu lên quá cao mà các đồng chí nói là vẫn làm đúng theo quy định của luật thì cũng phải xem lại luật đó là đúng hay là dở, nếu không thì vẫn gây ra thất thoát, lãng phí”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, lý do giá đấu thầu sau khi trúng thầu tăng cao so với ban đầu là do có nhiều quy định về giá hợp đồng thầu (giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định, giá theo đơn giá điều chỉnh và giá hợp đồng theo thời gian). “Tôi không đồng ý đưa ra nhiều loại giá thế này", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh "thiết kế thế nào thì thi công thế đấy, chứ không phải vào làm là phải thay đổi, nâng giá thầu lên. Luật phải quy định ổn định để đấu thầu hiệu quả… Giá trúng thầu là giá cuối cùng. Mọi rủi ro phải được tính hết vào giá trúng thầu để sau này không phải thay đổi”.
Giải trình về quy định chống thông thầu, đội giá trong đấu thầu và đặc biệt là phòng, chống lãng phí, Thứ trưởng Bộ KHĐT Cao Viết Sinh cho biết Bộ cùng với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội sẽ chỉnh lý tối đa quy định này. Tuy nhiên để có những quy định khắc phục toàn diện các bất cập trong đấu thầu thì cần phải có thời gian.
Giải trình yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội về chỉ quy định một loại giá đấu thầu, ông Cao Viết Sinh cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài thích hình thức đấu thầu trọn gói (nhà thầu tuân thủ giá trúng thầu, lãi hưởng, lỗ chịu). Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để thực hiện là kinh tế vĩ mô phải ổn định, lạm phát không cao, tỷ giá, lãi suất không biến động nhiều gây tăng giá nguyên liệu đầu vào trong quá trình thi công để không có chuyện nâng giá thầu.
“Thực tế, giá thầu ở Việt Nam cũng tính đến trượt giá, hệ số rủi ro trong tổng mức đầu tư, nhưng trong cuộc sống, nhiều nhà đầu tư muốn mức dự phòng thấp để tổng mức đầu tư không lớn, nếu không, nhà đầu tư sẽ cân nhắc khi tham gia đấu thầu. Từ đó, khi ta đưa ra mức dự phòng thấp nhưng thực tế triển khai thì độ rủi ro cao hơn lên thì tổng mức đầu tư tăng lên”, ông Cao Viết Sinh nói.
Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, vừa diễn ra hồi tháng trước và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) mới nhất. Theo đó, Thường trực Uỷ ban Kinh tế bỏ quy định hiện hành về hình thức giá hợp đồng theo tỷ lệ % đối với tư vấn thiết kế và bổ sung quy định về các hình thức giá hợp đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn (như hình thức giá hợp đồng trọn gói, theo thời gian) nhằm để hạn chế việc lợi dụng nâng dự toán công trình để hưởng lợi.
Để có cơ sở cho việc thực hiện và giám sát thực hiện hợp đồng, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia ký hợp đồng, ngăn chặn sự bán thầu, Thường trực Uỷ ban tiếp thu, bổ sung thêm 12 điều, từ Điều 121 - Điều 132 quy định chi tiết về quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng, quản lý chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật khác trong hợp đồng, tạm ứng, thanh toán hợp đồng…
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những quy định tiếp thu, chỉnh lý chưa đi đến tận cùng của vấn đề. “Chủ đầu tư nếu có hiện tượng gian lận trong thông thầu, đấu thầu thì phải thế nào…? Luật phải có quy định về vấn đề này thì mới xử lý được.”.
Kết luận phiên họp về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu vào giá thì cần có quy định giá thấp nhất và có chất lượng tốt nhất, không thay đổi giá, không điều chỉnh giá đã trúng thầu, phải tính toán hết rủi ro vào giá trúng thầu.
Thành Chung