Phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia vào thực hiện dự án là một trong những yếu tố đảm bảo tính khả thi về tài chính cho dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tư nhân. Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP đã quy định linh hoạt hơn về hạn mức, nhưng chặt chẽ hơn về cơ chế quản lý đối với phần vốn này.
Cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia vào dự án PPP phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, tránh thất thoát, lãng phí Ảnh: Lê Tiên
Một cơ chế linh hoạt sẽ phù hợp hơn với đặc thù dự án
Nếu Nhà nước có 1 tỷ USD, thay vì chỉ làm được một nhà máy điện khi đầu tư công hoàn toàn, thì khi thực hiện theo mô hình PPP, 1 tỷ USD có thể góp vốn tham gia vào 3, 4 dự án, phần còn lại là thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Vốn tư nhân dù ít dù nhiều cũng sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, việc huy động vốn tư nhân vào các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hiện không phải dễ dàng khi thị trường trái phiếu trong nước chưa phát triển, thị trường trái phiếu quốc tế gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, vốn vay thương mại trong nước gặp khó khăn do các ngân hàng thương mại và thị trường tiền tệ trong nước chưa phát triển nên không đảm bảo cung cấp vốn dài hạn,...
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định phần vốn tham gia của Nhà nước vào dự án BOT, BTO và BT không được vượt quá 49% tổng vốn đầu tư của dự án theo Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và không được vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án (trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định) theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg đã gây khó khăn và e ngại cho nhiều nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là với nhà đầu tư trong nước khi thực hiện các dự án có tổng mức đầu tư lớn.
Theo một số doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng có đặc thù về yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, năng lực tài chính của phần đông doanh nghiệp tư nhân trong nước còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đủ mạnh để tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Việc quy định như tại hai văn bản trên dẫn tới tình trạng khó thu hút doanh nghiệp tham gia vào dự án PPP và có thể tạo ra sự cạnh tranh không công bằng trong quá trình đấu thầu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp quốc tế.
Ảnh: LTT
Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy, có những dự án Nhà nước góp 70% và nhà đầu tư tư nhân góp 30% vốn để đầu tư một công trình kéo dài 90 năm mới thu hồi vốn, nhà đầu tư thu hồi vốn trước trong vòng 30 năm sau, đó chuyển giao cho Chính phủ nước này tiếp tục khai thác, vận hành. Nhiều quốc gia khác cũng quy định theo hướng thông qua nghiên cứu khả thi, có thể vận dụng linh hoạt mức độ hỗ trợ của nhà nước trên cơ sở xem xét từng dự án cụ thể để đạt được mục tiêu vừa xây dựng được kết cấu hạ tầng với chất lượng và hiệu quả đầu tư cao hơn so với mô hình đầu tư truyền thống, vừa giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước nếu phải đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Không quy định cứng về hạn mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia vào dự án PPP phải theo mục tiêu đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, tránh thất thoát, lãng phí, đồng thời sử dụng nguồn vốn nhà nước hiệu quả trong việc hỗ trợ vốn xây dựng công trình dự án, nhằm tăng tính khả thi về tài chính đối với dự án có hoạt động kinh doanh để thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận.
Quy định về phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia vào dự án PPP theo định hướng tại Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ phía các nhà tài trợ, tư vấn và cộng đồng doanh nghiệp khi Dự thảo Nghị định được đưa ra lấy ý kiến. Việc không quy định hạn mức tối đa đối với phần tham gia của Nhà nước sẽ góp phần đáng kể trong việc gia tăng tính thương mại cho các dự án PPP. Đồng thời, nhiều ý kiến đánh giá các quy định khác trong Dự thảo liên quan đến việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước vào dự án PPP không chỉ nhằm đảm bảo trách nhiệm trước hết của nhà đầu tư trong việc góp vốn, huy động vốn để thực hiện dự án, mà còn tạo cơ chế để đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả, đúng với mục đích sử dụng nguồn nhà nước chỉ nhằm tăng tính khả thi của dự án, chứ không thay thế một phần hay toàn bộ nguồn vốn của nhà đầu tư.
Trên tinh thần đó, Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP bổ sung một số quy định mới về sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng linh hoạt về hạn mức, nhưng chặt chẽ hơn về cơ chế quản lý. Theo Dự thảo, vốn đầu tư của Nhà nước được sử dụng góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình dự án nhằm tăng tính khả thi về tài chính đối với dự án thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận từ khoản thu của người sử dụng; thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng dự án Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL), Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT); hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Giá trị vốn đầu tư công để thực hiện dự án được xem xét trên cơ sở chủ trương sử dụng vốn đầu tư công, phương án tài chính của dự án và khả năng huy động, cân đối nguồn vốn đầu tư công để hỗ trợ thực hiện dự án hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo tiến độ dự kiến cam kết tại hợp đồng dự án.
Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP cũng quy định chặt chẽ rằng, dự án PPP được sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: thuộc danh mục dự án do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh công bố hoặc thuộc đối tượng sử dụng nguồn vốn ODA, khoản vay ưu đãi theo thỏa thuận, điều ước quốc tế; phù hợp với điều kiện sử dụng vốn theo quy định của pháp luật đầu tư công; khoản thu dự kiến từ hoạt động kinh doanh không đủ thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận (áp dụng đối với dự án có hoạt động kinh doanh để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận cho nhà đầu tư).
Đồng thời, Dự thảo bổ sung quy định lập kế hoạch, phê duyệt giá trị, giải ngân vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án để quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn này.
Nguyệt Minh
Người đăng: T.An