• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Khuyến cáo căn cơ của chuyên gia Hà Lan đối với người nuôi gà và trồng măng tây xanh

(CTTĐTBP) - Các hộ nuôi gà và trồng măng tây xanh ở Bình Phước còn thiếu về thông tin kỹ thuật, dịch bệnh, dự báo giá cả thị trường… nên gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh và không có hợp đồng bao tiêu, mua bán sản phẩm lâu dài gây thất thu trong sản xuất, chăn nuôi.


 

Đây là kết luận của 2 chuyên gia PUM (Hà Lan) là Piet de Poer và Frans Heldens. Hai chuyên gia này được Hội nông dân tỉnh mời đến làm việc tại tỉnh từ ngày 6 đến ngày 17/1, để nghiên cứu về các bệnh gây hại trên cây măng tây xanh và đàn gà tại Bình Phước. Trong thời gian hơn 10 ngày làm việc tại tỉnh, hai ông đã nghiên cứu thực tế tại 20 trại gà nuôi tự phát và nhiều hộ trồng măng tây xanh trên địa bàn tỉnh.
 
Nuôi gà còn nặng tính tự phát
 
Theo ông Piet de Poer, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực chăn nuôi của Hà Lan, phần đa nông dân nuôi gà ở Bình Phước còn thiếu thông tin chuyên nghiệp về kỹ thuật chăn nuôi, nên không chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, làm cho đàn gà có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao; khi xảy ra thường hay tái diễn và lan rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
 
Một mô hình nuôi gà dưới vườn tre tại Chơn Thành. Ảnh Đỗ Trình.
 
Ông Piet de Poer dẫn chứng, người nuôi gà không có lịch tiêm phòng vac-xin cũng như không có phương pháp chữa trị bệnh cúm A/H5N1; chuồng trại, gà giống, khâu chăm sóc, thức ăn, nước uống…còn nặng tính tự phát, chưa triển khai đúng quy trình kỹ thuật. Đơn cử như việc làm mái che chuồng trại, thường làm bằng tôn nên gây nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi; khâu vận chuyển gà giống thường ở xa đến làm tăng phí vận chuyển và gây stress cho vật nuôi; sử dụng nhiều loại thức ăn chất lượng khác nhau cũng làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của đàn gà…
 
Bên cạnh đó, người chăn nuôi không có hợp đồng bao tiêu, mua bán sản phẩm lâu dài nên thường bị ép giá, gây thất thu cho người nuôi.
 
Măng tây xanh bón nhiều phân, thu hoạch sớm…?
 
Theo phản ánh của Hội nông dân tỉnh, kể từ năm 2010, cây măng tây xanh được đưa về trồng thử nghiệm ở huyện Lộc Ninh và thị xã Bình Long. Sau đó, mô hình được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Sau 3 năm trồng, cây măng tây xanh đã mắc một số bệnh như trắng lá và thán thư ở đọt (ngọn) cây, cành lá dẫn đến bị biến dạng, thối gốc, cây chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người trồng.
 
Cây măng tây xanh tại Bình Phước. Ảnh Hạ Du.
 
Trao đổi về tình hình dịch bệnh và tuổi thọ thấp của cây măng tây xanh ở Bình Phước, chuyên gia Frans Heldens cho biết: Nguyên nhân chính gây ra bệnh thối gốc rễ dẫn đến chết hàng loạt ở cây măng là do người nông dân sử dụng phân bón cho cây quá nhiều, làm đất trồng quá mặn, rễ cây không thể làm việc hiệu quả. Thêm vào đó, người trồng thường tiến hành thu hoạch vụ đầu tiên sau khi trồng quá sớm (thường 6 tháng sau khi gieo hạt) và lại tiến hành thu hoạch liên tục ngay cả trong mùa mưa làm cho cây giảm tuổi thọ.
 
Chuyên gia Frans Heldens khuyến cáo, măng tây xanh chỉ cần bón một lượng phân 300 -400kg/ha/năm là đủ. Người trồng nên bắt đầu thu hoạch măng tây xanh vụ đầu tiên khi cây đạt 14-16 tháng; đồng thời để cây phát triển 1-2 tháng mà không cần tưới nước nhằm tạo thời gian cho cây nghỉ ngơi. Về giống, hiện các hộ đang trồng loại giống UC800 F1, UC157 F1 có giá rẻ, phẩm chất kém; người dân nên trồng những giống có phẩm chất tốt và tuổi thọ cao hơn như: Bell 29-24, Munum, Vealin F1…
 
 
Hai chuyên gia khẳng định, môi trường và khí hậu ở Bình Phước rất thuận lợi cho cây măng tây xanh và đàn gà phát triển tốt. Nếu biết áp dụng đúng kỹ thuật, vận dụng  các khuyến cáo nói trên và có một thị trường bao tiêu sản phẩm ổn định, người chăn nuôi gà và người trồng măng tây xanh ở Bình Phước sẽ phát triển bền vững, hạn chế những rủi ro dịch bệnh, phát triển kinh tế hộ gia đình chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả kinh tế cao.
 
 
 
 
 Nhật Phong

 

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)