• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Kinh nghiệm nhận diện và quản trị rủi ro trong các dự án PPP ngành nước 

Tại Đối thoại cấp kỹ thuật Việt Nam - Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) lần thứ 5 nhằm trao đổi kinh nghiệm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), các chuyên gia của JBIC đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thiết thực về quản trị rủi ro khi thực hiện dự án PPP ngành nước, gồm các dự án cung cấp nước sạch và dự án xử lý nước thải.

IMG
Theo các chuyên gia Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, việc giảm thiểu các rủi ro là điều quan trọng nhất để bảo đảm tính khả thi của các dự án PPP ngành nước, vốn là lĩnh vực có tính thương mại không cao
 Ảnh: LTT
 
Theo ông Yusuke Masuda, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính kết cấu hạ tầng xã hội thuộc JBIC, hiện JBIC đã tham gia triển khai 25 dự án PPP ngành nước ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hình thức tài trợ và cung cấp tài chính của JBIC cho các dự án này rất đa dạng, chẳng hạn như hỗ trợ tín dụng xuất khẩu tại dự án PPP khử mặn nước biển tại Nhật Bản; góp vốn cổ phần dự án PPP ngành nước tại Trung Đông thông qua doanh nghiệp Nhật Bản… Từ kinh nghiệm thực hiện các dự án PPP ngành nước tại các quốc gia đang phát triển, ông Yusuke Masuda cho rằng, trong triển khai các dự án PPP ngành nước có nhiều rủi ro có thể xảy ra dẫn đến việc triển khai dự án có thể thất bại như rủi ro về bên bao tiêu - bên mua nước, rủi ro về tỷ giá, biểu giá nước…
 
Quản trị rủi ro từ bên bao tiêu
Chia sẻ rủi ro về bên bao tiêu trong thực hiện dự án PPP ngành nước, ông Yusuke Masuda cho rằng, do bên bao tiêu thường là chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp nhà nước cung cấp, xử lý nước, nên tính cam kết không cao, dẫn đến dự án thất bại do các bên cho vay, nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro. Điển hình như dự án ở bang Selangor của Malaysia: Hợp đồng nhượng quyền của Dự án này được ký kết giữa bên cho vay - nhà đầu tư - chính quyền Bang (bên bao tiêu) và bắt đầu thực hiện từ năm 2004 với thời hạn là 30 năm. Tuy nhiên, đến năm 2008, do có sự thay đổi về nhân sự của chính quyền bang Selangor, lãnh đạo chính quyền mới không tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng bao tiêu (bao gồm cả việc tăng giá nước) đã được ký kết trước đó, nên nhà đầu tư đã phải chịu thua lỗ trong 5 năm. Cuối cùng, nhà đầu tư đã đưa cuộc tranh chấp này ra tòa án để phân xử, đòi bồi thường.
 
Từ thất bại của Dự án này, ông Yusuke Masuda khuyến nghị, để nâng cao tính khả thi của dự án PPP ngành nước, sự hỗ trợ của chính quyền trung ương là cần thiết để bảo đảm việc cam kết thực hiện hợp đồng của chính quyền địa phương. Trên thực tế, một số quốc gia đã thực hiện thành công mô hình này, chẳng hạn như dự án PPP ngành nước (hợp đồng BOT) Tirupur của Ấn Độ. Được thực hiện từ năm 2001, Tirupur là dự án PPP ngành nước đầu tiên của quốc gia này. Để đảm bảo tính khả thi của Dự án, chính quyền bang Tamil Nadu đã xây dựng Quỹ Trả nợ, Quỹ Bù đắp thiếu nước và cung cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay của doanh nghiệp dự án. Với mô hình này, mức tín nhiệm của bên bao tiêu được nâng cao thông qua sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ.
 
Quản trị rủi ro về tỷ giá 
Thất bại của dự án PPP (hợp đồng BOT) cung cấp nước sạch tại Jakarta của Indonesia là do gặp phải rủi ro khi có biến động về tỷ giá. Dự án được thực hiện từ năm 1998 và nhà đầu tư được nhà tài trợ cho vay bằng ngoại tệ. Sau đó, khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra đã dẫn đến sự mất giá mạnh của đồng nội tệ (Rupy  Indonesia), trong khi đó, hợp đồng của Dự án này lại không có điều khoản nào quy định về cơ chế điều chỉnh khi gặp biến động về tiền tệ, do đó, nhà đầu tư đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và phá sản. 
 
Xuất phát gần như cùng thời điểm với Dự án trên, nhưng dự án PPP cung cấp nước cho khu vực phía Tây của Metro Manila (Philippines) lại được triển khai thành công, mặc dù cũng nằm trong vòng xoáy khủng hoảng tài chính khu vực. Đó là do hợp đồng của Dự án đã thiết lập một cơ chế điều chỉnh chênh lệch ngoại hối (FCDA) nhằm điều chỉnh các tổn thất về ngoại hối hoặc lợi nhuận có được từ việc thanh toán các khoản nợ bằng ngoại tệ của doanh nghiệp dự án. Do đó, việc xác định biểu phí theo tỷ giá là một cách thức giảm thiểu được rủi ro có thể xảy ra cho dự án PPP ngành nước trong thời gian 25 năm như tại Dự án này.
 
Liên quan đến quản trị rủi ro về biến động tỷ giá, một dự án PPP khác ở Mexico đã quy định rõ cơ chế chia sẻ rủi ro thông qua việc Ngân hàng Công trình quốc gia và Dịch vụ công (BANOBRAS) cung cấp tài trợ dài hạn bằng đồng Peso của Mexico và Quỹ Hạ tầng quốc gia (FONADIN) cung cấp bảo lãnh cho các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, một số quốc gia khác lại áp dụng cơ chế là thiết lập biểu phí bằng đồng ngoại tệ mạnh như USD…
 
Theo ông Yusuke Masuda, quản trị rủi ro là vấn đề chính cần giải quyết khi bắt tay vào triển khai một dự án PPP, đặc biệt là dự án PPP ngành nước. Là lĩnh vực có tính thương mại không cao, để thu hút nhà đầu tư và các định chế tài chính tham gia đầu tư vào dự án PPP ngành nước, việc giảm thiểu một cách hợp lý các loại rủi ro là điều quan trọng nhất để bảo đảm tính khả thi của các dự án trong lĩnh vực này.
 
 
 
Lê Xuân
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)