• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Lại “nóng” chuyện gian lận, tham nhũng tại các dự án ODA 
Những nghi án tham nhũng, hối lộ hay những vi phạm pháp luật khác trong các dự án xây dựng hạ tầng có sử dụng nguồn vốn ODA được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây đang gây tâm lý bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội.
IMG
Một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Việc phát hiện ra các hành vi, tham nhũng tại các dự án ODA không hề dễ dàng.
Đôi khi chúng ta không có đủ bằng chứng tại những vụ việc nên quá trình điều tra làm rõ thường mất nhiều thời gian”
 Ảnh: Lê Tiên
Đề cập về chủ đề chống gian lận, tham nhũng tại các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, những biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án ODA vẫn đang là một thực trạng đáng lo ngại đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như đối với các nhà tài trợ. 
 
Gần đây nhất, tuần qua, báo chí Hàn Quốc cũng như báo chí Việt Nam đang “nóng” lên câu chuyện về những nghi vấn trong các dự án giao thông tại Việt Nam liên quan đến việc lập “quỹ đen” và đưa hối lộ của cựu Giám đốc điều hành dự án thuộc chi nhánh Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc) tại Đông Nam Á giai đoạn 2009 - 2012, trong đó có liên quan đến dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc tại Việt Nam. Thêm nữa, vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng phát đi thông báo “cấm cửa” một công ty Mỹ (Công ty Louis Berger Group) tham gia vào các dự án sử dụng vốn vay của WB do nghi vấn tham nhũng tại các dự án tại Việt Nam.
 
Một vụ việc khác liên quan đến vấn đề này cũng được người đứng đầu Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc Họp báo thường niên của JICA tổ chức đầu tháng này chỉ ra đó là nghi án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ để được tham gia dự án Đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội. Và đây là vụ đưa hối lộ thứ hai xảy ra tại Việt Nam liên quan đến dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, sau vụ việc nhận hối lộ liên quan đến dự án Đại lộ Đông - Tây tại TP.HCM. Người đứng đầu JICA tại Việt Nam cũng cảnh báo Nhật Bản sẽ ngừng cung cấp ODA cho Việt Nam nếu có thêm một vụ tham nhũng thứ ba liên quan tới các công trình sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. 
 
Cho ý kiến về những vụ việc này, ông Trần Đức Lượng cho rằng: “Trong những vụ việc điển hình nêu trên, những nghi vấn tham nhũng, sai phạm không phải do chủ đầu tư hay các cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý nguồn vốn ODA phát hiện, mà do báo chí nước ngoài đưa tin hay được cơ quan điều tra phát hiện từ một vụ án hình sự khác”. “Những dự án ODA đầu tư kết cấu hạ tầng, ngoài sự phức tạp về kỹ thuật và quy mô vốn lớn còn có tính đặc thù là có yếu tố nước ngoài, vì vậy một mặt nó đáp ứng nhu cầu, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam, song cũng phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ tài trợ và chịu nhiều tác động của các bên liên quan tại quốc gia cung cấp ODA. Chính nguyên nhân này có thể dẫn tới những khó khăn khi áp dụng những chuẩn mực quản lý về đầu tư công đối với các dự án ODA” – Ông Trần Đức Lượng nhận xét thêm.
 
Ở một góc nhìn khác về vấn đề này, một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Việc phát hiện ra các hành vi tham nhũng tại các dự án ODA không hề dễ dàng. Đôi khi chúng ta không có đủ bằng chứng tại những vụ việc nên quá trình điều tra làm rõ thường mất nhiều thời gian”.
 
Trước câu hỏi: “Cách nào để chống gian lận, tham nhũng tại các dự án ODA cũng như kiên quyết loại bỏ những sai sót tại các dự án này?”, đại diện Thanh tra Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp như: cần tăng cường hiệu lực thực tế của các quy định pháp luật liên quan tới quản lý, sử dụng ODA; tiếp tục tăng cường thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ODA…
 
Trả lời báo chí câu hỏi này, đại diện Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đấu thầu 2013 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm minh bạch hóa quá trình đấu thầu, tăng cường trách nhiệm giải trình… Đây là một trong những điều kiện góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA. Và để tăng cường tính phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả hơn các hành vi vi phạm trong đấu thầu, Luật Đấu thầu 2013 cũng bổ sung hình thức xử phạt trong mối quan hệ kinh tế, dân sự.
 
 
 T.Hiếu
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)