Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu năm 2013) ngày 26/11/2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Đánh giá về sự kiện này, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cũng như nhà đầu tư, nhà thầu cho rằng, Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực sẽ tạo bước tiến mới trong công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Chính sách ưu đãi dành riêng cho hàng hóa sản xuất trong nước và
cho nhà thầu trong nước đã được quy định rõ trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13
Ảnh: Lê Tiên
Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đấu thầu năm 2013 đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Đấu thầu năm 2005, đáp ứng kịp thời yêu cầu phải có một môi trường minh bạch, cạnh tranh cho hoạt động đấu thầu, đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước. Luật Đấu thầu mới đã đa đạng hóa phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; bổ sung thêm hình thức lựa chọn nhà thầu; bổ sung phương thức lựa chọn nhà thầu; ưu đãi hơn với hàng hóa sản xuất trong nước; tạo cơ sở thu hút nhà đầu tư tư nhân…
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư dầu khí Toàn Cầu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, Luật Đấu thầu mới có hiệu lực sẽ bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Trong khi năng lực nhà thầu trong nước có hạn, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Luật Đấu thầu mới đã có những ưu đãi giúp các nhà thầu trong nước từng bước nâng cao sức cạnh tranh để thắng thầu trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán tiến tới ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do mới rất chặt chẽ và toàn diện. Chính sách ưu đãi dành riêng cho hàng hóa sản xuất trong nước và chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà thầu trong nước khi tham gia đấu thầu trong nước hay đấu thầu quốc tế đã được quy định rất rõ ràng.
Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hiệp dẫn chứng, Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu: “Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên”. Đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp bao gồm: Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu. Đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp bao gồm: Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới; Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật; Nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ.
Thách thức lâu dài mà Việt Nam phải đối mặt là cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng
Ảnh: Nhã Chi
Trong một Hội nghị phổ biến Luật Đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, các quy định này đã được tính toán kỹ lưỡng, không trái với các thông lệ quốc tế và ở bất kỳ quốc gia nào cũng có chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển và tạo việc làm cho người lao động yếu thế trong xã hội. Quy định này nhằm tiếp tục khẳng định chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực và tạo việc làm cho lao động trong nước; đồng thời, từng bước giúp nhà thầu Việt Nam nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện gói thầu lớn, công nghệ cao… không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Trước thách thức lâu dài mà Việt Nam phải đối mặt, đó là cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng, tại cuộc họp báo công bố “Báo cáo triển vọng phát triển châu Á” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức đầu tháng 4/2014, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thu hút đầu tư tư nhân, chủ yếu thông qua mô hình đối tác công - tư (PPP) có thể đóng góp rất nhiều vào việc huy động vốn cho các dự án, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận được với kiến thức chuyên môn và công nghệ quốc tế, nâng cao chất lượng các công trình. Việc đưa PPP vào trong Luật Đấu thầu năm 2013 góp phần nâng cao tính toàn diện và cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công”.
Liên quan đến nội dung nêu trên, trong một báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã nhấn mạnh, cần phải thúc đẩy tư nhân tham gia phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam theo hình thức đầu tư PPP. Song, pháp luật hiện hành liên quan đến PPP mới chỉ có Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP được ban hành năm 2010 (Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 9/11/2010). Những quy định này được thực tế chứng minh là không đủ cung cấp một khuôn khổ pháp lý vững chắc và lâu dài mà các nhà đầu tư tư nhân đang tìm kiếm.
Để giải quyết thách thức này, Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định những nguyên tắc chung cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm phục vụ cho việc triển khai hình thức đầu tư PPP, đồng thời tạo cơ sở để khuyến khích, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực tư nhân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu 2013 có những bổ sung quan trọng trong phân cấp, giám sát và xử lý vi phạm trong đấu thầu. Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, để đảm bảo công bằng, công khai giữa các nhà thầu và tính chính xác trong việc lựa chọn nhà thầu, nên có danh bạ năng lực nhà thầu để các chủ đầu tư có cơ sở tham khảo, đánh giá đúng năng lực nhà thầu cần chọn. Về việc này, Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định về việc đăng ký thông tin nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 cũng quy định nhà thầu phải thường xuyên cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của mình trên Hệ thống (tại Điểm b Khoản 1 Điều 128).
T.Hiếu
Người đăng: T.An