Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là 2 đạo luật rất căn bản cho lĩnh vực đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư của đất nước. Việc sửa đổi 2 đạo luật lần này đã khắc phục được những khiếm khuyết của hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã chia sẻ điều này trong Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 30/11 khi trao đổi về những điểm mới của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Luật Đầu tư (sửa đổi) thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp
Ảnh: Lê Tiên
Phương pháp tiếp cận mới: “Chọn - bỏ”
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, thay đổi cơ bản nhất trong Luật Đầu tư (sửa đổi) là phương pháp tiếp cận. Trước đây là “chọn - cho”, có nghĩa là trong Luật quy định những lĩnh vực được phép đầu tư, kinh doanh. Lần này, chúng ta thay bằng phương pháp minh bạch hơn và rõ ràng hơn là “chọn - bỏ”, tức là lĩnh vực nào cấm, hạn chế thì ghi vào trong Luật. “Chọn - bỏ” là phương pháp khó mà trên thế giới không phải nước nào cũng dám áp dụng. Nhưng ở nước ta, Quốc hội đã quyết định áp dụng phương pháp này. Điều này cũng thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp. Những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh:
Quốc hội, Chính phủ và những người soạn thảo mong muốn sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng thông thoáng hơn và tiếp cận thông lệ quốc tế, để tạo ra một động lực mới cho người dân và doanh nghiệp, trong đó cũng có kỳ vọng về một làn sóng thành lập doanh nghiệp mới. Bởi vì khi 2 Luật sửa đổi có hiệu lực, việc thành lập doanh nghiệp sẽ tốn ít chi phí hơn, minh bạch, tiết kiệm thời gian hơn và người dân không bị bỏ lỡ thời cơ. Điều đó sẽ khuyến khích người dân thay vì đem tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, mua vàng, mua ngoại tệ cất trữ..., sẽ đem những đồng tiền đó đầu tư kinh doanh, không những đem lại cho bản thân mình lợi nhuận cao hơn, mà còn tạo ra hàng triệu triệu việc làm và tạo ra các giá trị quan trọng khác cho đất nước.
Lĩnh vực kinh doanh có điều kiện: Quan trọng không phải ít hay nhiều
Về số lượng lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nhiều hay ít không phải là vấn đề. Những nước càng phát triển thì càng có nhiều điều kiện trong các lĩnh vực kinh doanh. Những điều kiện đó được đặt ra để bảo đảm rằng, ngành nghề kinh doanh phải phục vụ lợi ích phát triển con người, như các vấn đề sức khỏe, an ninh và môi trường. Cần phải hiểu những điều kiện kinh doanh này là những yếu tố làm cho các ngành nghề kinh doanh đó tốt lên, phục vụ tốt hơn cho con người.
Trong 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Chính phủ sẽ quy định những loại ngành nghề nào phải được cấp phép. Tuy vậy, việc cấp phép sẽ được hạn chế ở mức tối thiểu. Còn lại, sẽ có những ngành nghề không cần xin phép hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ sẽ đi kiểm tra, giám sát.
Ví dụ, ở các nước có trình độ phát triển tương đồng như Việt Nam và ở chính Việt Nam, những ngành nghề như mở hàng ăn, hàng phở không có một quy định nào cả. Coi như người dân tự do, thoải mái trong việc mở cửa hàng. Nhưng ở những nước phát triển, điều kiện để mở cửa hàng ăn phục vụ công cộng thì người chủ và những người phục vụ phải không mắc bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, nguyên liệu để chế biến phải không có hóa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cơ quan quản lý công bố điều kiện đó, anh mở cửa hàng mà không thực hiện thì sẽ bị thu hồi giấy phép.
Trong 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Chính phủ sẽ quy định những loại ngành nghề nào phải được cấp phép
Ảnh: LTT
Trước ý kiến có doanh nghiệp lo ngại là việc thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục có thể làm phát sinh các hệ lụy như doanh nghiệp bỏ trốn, thành lập doanh nghiệp "ma" để mua bán hóa đơn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, xã hội nào, dù chặt chẽ đến đâu cũng luôn có những hành động lợi dụng kẽ hở của luật pháp để kinh doanh trái phép, vi phạm luật pháp. Về việc này, các cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra và xử lý vi phạm. Trong nguyên tắc làm luật, điều gì có lợi ích nhất cho đại chúng thì chúng ta phải áp dụng. Không thể lấy vi phạm của một vài cá nhân, một vài tập thể nhỏ để bắt tất cả phải đi theo, phải bị quản lý chặt lại. Cho nên, chúng ta sẽ có biện pháp, chế tài để kiểm soát và xử lý số ít vi phạm nhưng vẫn phải tạo ra sự thông thoáng vì lợi ích chung cho toàn xã hội.
Nguyệt Minh (lược ghi)
Người đăng: T.An