• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Mua sắm tập trung – nội dung mới quan trọng của Luật Đấu thầu 2013 

Các quy định về hình thức mua sắm tập trung để áp dụng trong công tác lựa chọn nhà thầu là 1 trong những điểm mới quan trọng được bổ sung trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Theo các chuyên gia, khi Luật có hiệu lực (từ ngày 1/7/2014), việc áp dụng mua sắm tập trung không chỉ giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm mà còn tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu.

IMG
Quy định về mua sắm tập trung của Luật Đấu thầu 2013 đã khẳng định, thay vì tổ chức mua sắm ở
hàng trăm cơ quan khác nhau thì cơ quan mua sắm tập trung sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp một lần
Ảnh: Lê Tiên
 
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã bổ sung quy định về mua sắm tập trung. Để cụ thể hóa nội dung này, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (NĐ 63) đã hướng dẫn thực hiện mua sắm tập trung như: Nguyên tắc trong mua sắm tập trung; Trách nhiệm trong mua sắm tập trung, quy trình mua sắm tập trung tổng quát; Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung; Nội dung thỏa thuận khung. Với các quy định này, các chuyên gia cho rằng hoạt động mua sắm hàng hóa theo phương thức tập trung đã có một cơ sở pháp lý rất cụ thể, chi tiết để thực hiện.
 
Khoản 2 Điều 44 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định: “Mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư”. Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, hiệu quả của việc mua sắm hàng hoá theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn với số lượng nhiều mà còn được thể hiện ở chất lượng đầu vào tốt, đảm bảo giá được thống nhất, tương đồng về kỹ thuật, việc sử dụng hàng hóa đạt hiệu quả cao. Quy định về mua sắm tập trung của Luật Đấu thầu 2013 đã khẳng định, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau thì cơ quan mua sắm tập trung sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp một lần. Cách làm này sẽ tiết kiệm tối đa chi phí dành cho hoạt động mua sắm so với hình thức mua sắm hàng hóa, dịch vụ thông thường.
 
IMG
Hiệu quả của việc mua sắm hàng hoá theo phương thức tập trung còn được thể hiện ở chất lượng đầu vào tốt,
đảm bảo giá được thống nhất, tương đồng về kỹ thuật, việc sử dụng hàng hóa đạt hiệu quả cao
Ảnh: Nhã Chi
 
Đánh giá cao quy định về nội dung mua sắm tập trung sẽ được thực hiện thông qua một đơn vị mua sắm, ông Trần Đức Thắng nhận định, với một đầu mối thực hiện, tổ chức mua sắm với khối lượng hàng hóa lớn thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ tham gia, từ đó góp phần phòng, chống tham nhũng trong mua sắm tài sản nhà nước. Nội dung này được quy định cụ thể tại Khoản 1, Điều 68 Nghị định số 63: “Việc mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì đơn vị mua sắm tập trung thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu”.
 
Về cách thức thực hiện mua sắm tập trung, Khoản 3, Điều 44 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định, mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách. Một là, đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Hai là, đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận khung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đơn vị có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Theo các chuyên gia, cách làm thứ hai có thể được áp dụng cho việc mua sắm với quy mô lớn mà không đòi hỏi bộ máy lớn, không làm hạn chế quyền tự chủ của các đơn vị trong chi tiêu ngân sách được giao, quyền ký hợp đồng cung cấp và thụ hưởng các dịch vụ sau bán hàng.
 
Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung là vấn đề được nhiều chủ đầu tư, đơn vị mua sắm và các nhà thầu quan tâm khi tổ chức mua sắm tập trung. Điều 71 Nghị định số 63 quy định: hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm tập trung phải đáp ứng một trong các điều kiện: Hàng hóa, dịch vụ mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; Hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại. Các chuyên gia cho rằng, hướng dẫn chi tiết này sẽ giúp các bên liên quan giảm được thời gian, nhân lực, chi phí và tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ.
 
 
 
Hồng Vân
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)