• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Nâng cao chất lượng VBQPPL cần vai trò của doanh nghiệp 

(Chinhphu.vn) - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần hướng tới nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, nhất là tại các địa phương trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Đây là ý kiến chung được nhiều đại biểu góp ý khi tham dự Hội thảo "Vai trò của doanh nghiệp (DN) trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức ngày 20/8 tại TP.HCM
Ban Pháp chế VCCI cho biết, theo kết quả phản hồi mới nhất từ 212 doanh nghiệp được VCCI khảo sát: 20% sẵn sàng góp ý tất cả các dự thảo, kể cả khi nội dung ít liên quan; 45% sẽ tham gia nếu vấn đề liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh; 32% tham gia nếu các quy định chưa hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ 4% không có nhu cầu tham gia góp ý. Đặc biệt, các doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi góp ý qua các tổ chức đại diện, như thông qua các hiệp hội ngành nghề, VCCI.
Luật sư Võ Thị Như Ngọc cho rằng trong những năm qua, mặc dù chưa được pháp luật quy định về thẩm quyền chủ trì lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới DN, tuy nhiên VCCI đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đây được cho là tổ chức có uy tín lớn với DN trong việc tổng hợp kiến nghị, đề xuất của DN về những quy định mang tính chất “rào cản” với DN trong các VBQPPL.
Vì thế, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cũng như tính thực thi của các VBQPPL, tại khoản 3, Điều 5 Dự thảo Luật sửa đổi đã đề xuất: Với vai trò là tổ chức đại diện cho lợi ích của cộng đồng DN, VCCI có trách nhiệm chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với VBQPPL có liên quan đến DN. Điều này được đa phần các đại biểu tham dự Hội thảo tán thành.
Nâng cao vai trò của DN địa phương
Luật sư Phan Thông Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, vai trò của DN địa phương là hết sức quan trọng đối với việc xây dựng các văn bản luật, pháp lệnh tại địa phương đó, vì các văn bản này tác động trực tiếp tới các DN trú đóng trên địa bàn, nhưng điều đáng tiếc là trong thời gian qua HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thấy được tầm quan trọng này nên khi xây dựng ban hành các văn bản địa phương đã bỏ qua vai trò của các DN và Hiệp hội DN đóng trên địa bàn.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, vai trò của DN địa phương trong quy trình xây dựng văn bản ở địa phương (Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND) chưa được đề cao. Đa phần quy trình xây dựng văn bản ở địa phương thường các sở, ban, ngành tham gia vào đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nếu có sự tham gia của các hiệp hội thì chủ yếu là hội luật sư, nhiều hiệp hội chuyên ngành khác chưa được tham gia dù nhiều DN chịu ảnh hưởng tác động đến quyền lợi và trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhiều DN cũng chưa thực hiện quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật một cách chủ động dù vẫn biết DN là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản pháp luật. Các DN chỉ lên tiếng, kiến nghị khi bị ảnh hưởng quyền lợi nhưng ý kiến chỉ nêu ra sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.
Còn ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP.HCM, thì cho rằng, hệ thống văn bản dưới luật có nhiều văn bản rườm rà, khó hiểu và không khoa học.
Ông Bé đề xuất dự thảo luật cần được đóng góp ý kiến và phản biện bởi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội, hiệp hội ngành nghề. Dự thảo luật cần dành nhiều thời gian cho việc đóng góp ý kiến, tập trung nhiều cho các đối tượng có liên quan đến chủ đề của luật.
Theo ý kiến của Luật sư Phan Thông Anh, thời gian tới HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên cơ cấu Hiệp hội DN đóng trên địa bàn vào Hội đồng Tư vấn chính sách pháp luật của địa phương và phải gửi văn bản xin ý kiến của các tổ chức đại diện này. Có như thế các cơ quan nhà nước tại địa phương mới hiểu rõ được tâm tư, nguyện vọng của các DN đóng trên địa bàn.
 
 
Lê Anh
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)