• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chương trình, dự án đầu tư công 

Hiệu quả là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các chương trình, dự án đầu tư công. Xây dựng một cơ sở dữ liệu dự án đầu tư công là cách làm đang được xem xét thực hiện để hỗ trợ công tác đánh giá tính hiệu quả các dự án này.

IMG
Nhiều chuyên gia đánh giá, hệ thống thẩm định đầu tư hiện nay của
Việt Nam chưa được tiến hành theo quy trình chặt chẽ
Ảnh: Tiên Giang
Công tác đánh giá còn nhiều hạn chế
 
Là cơ quan đang nghiên cứu và xây dựng Khung đánh giá chương trình đầu tư công, Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ thuộc Bộ KH&ĐT nhận định, việc theo dõi các chương trình, dự án đầu tư công hiện nay vẫn thực hiện theo phương pháp cũ, chủ yếu tập trung vào theo dõi tiến độ hoàn thành khối lượng công việc và tài chính, mà chưa chú trọng đến theo dõi quá trình tạo ra kết quả trực tiếp và tác động của dự án. Bên cạnh đó, cũng chưa có quy định pháp lý yêu cầu phải theo dõi kết quả dự án và gắn những kết quả đó với mục tiêu phát triển của ngành/lĩnh vực/địa phương và của cả nước. Tóm lại, hệ thống theo dõi hiện tại còn nhiều hạn chế và thiếu cụ thể, dẫn đến việc khó áp dụng đánh giá và phân tích từng bước của một dự án cũng như tổng thể đầu tư công tại Việt Nam. 
 
Những năm qua, đầu tư công đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện công tác theo dõi và đánh giá thực hiện đầu tư công bằng việc ban hành nhiều văn bản pháp lý như Nghị định 113/2009/NĐ-CP (cùng với các thông tư liên quan) về giám sát và đánh giá đầu tư, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Nhằm hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về đầu tư công, Luật đầu tư công dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
 
Nghị định 113/2009/NĐ-CP quy định 5 hình thức đánh giá đầu tư: đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc, đánh giá đột xuất (thực hiện bất kỳ thời điểm nào nhưng không bắt buộc), và đánh giá tác động. Tuy nhiên, các hình thức đánh giá trên thường không được tiến hành một cách thường xuyên và đầy đủ đối với tất cả các chương trình, dự án. Nghị định 113 cũng chưa quy định cụ thể các tiêu chí và kỹ thuật đánh giá (theo các tiêu chí phổ biến trên thế giới về tính phù hợp, hiệu quả, hiệu suất, tính bền vững và tác động của dự án). Chỉ có các dự án từ nguồn vốn viện trợ ODA mới được đánh giá ít nhất hai lần vào giữa kỳ và khi kết thúc, theo đúng yêu cầu của Nghị định về ODA và của các đối tác tài trợ ODA. 
 
Các chuyên gia đánh giá, hệ thống thẩm định đầu tư hiện nay của Việt Nam chưa được tiến hành theo quy trình chặt chẽ. Công tác thẩm định ở cả cấp Trung ương và cấp tỉnh mới chỉ chú trọng vào việc chương trình, dự án phải chấp hành pháp luật và nghị định của Chính phủ, rất ít quan tâm đến việc rà soát tính khả thi, định hướng theo kết quả, rủi ro cũng như cách thức tổ chức thực hiện. Nói cách khác, thẩm định chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra sự tuân thủ luật pháp và các thủ tục hành chính có liên quan. Cách làm này không có nhiều tác dụng trong việc thực hiện chức năng “gác cổng” cũng như đảm bảo chất lượng của các chương trình, dự án đầu tư công ngay từ khâu đầu.
 
Xây dựng cơ sở dữ liệu dự án đầu tư công
 
Là chuyên gia tư vấn dự án Hỗ trợ chuẩn bị và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa trên kết quả 2011-2015, trong đó có nội dung về Tiêu chí đánh giá chương trình đầu tư công, ông Ramesh Adhikari (chuyên gia tư vấn của ABD) cho rằng, để theo dõi và đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư công thì mỗi chương trình, dự án đều phải xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) bao gồm số liệu kỳ gốc, chỉ tiêu và các mức tiến bộ trong việc đạt chỉ tiêu. Hệ thống CSDL thống nhất rất quan trọng, không chỉ phục vụ công tác đánh giá từng chương trình, dự án cụ thể mà còn để tổng hợp ở cấp tiểu ngành, ngành và tỉnh nhằm phân tích sâu thêm và tổng hợp kết quả thực hiện đầu tư. 
 
Ông Ramesh Adhikari nhấn mạnh, cần phải có một CSDL và chế độ báo cáo có hệ thống, thống nhất và được phần mềm hóa, tạo thuận lợi cho hệ thống theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả. Các Nghị định về đầu tư công hiện hành chưa đề cập đến việc xây dựng CSDL ở cấp dự án, ngành và tỉnh để thúc đẩy công tác theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả cũng như đánh giá kết quả thực hiện chương trình đầu tư công.
 
Từ thực tế này, ông Ramesh Adhikari khuyến nghị, cần xây dựng CSDL và hệ thống báo cáo thống nhất cùng với những quy định và hướng dẫn cần thiết về biểu mẫu, cấu trúc CSDL và chế độ báo cáo để quản lý chương trình đầu tư công. Điều đó sẽ giúp gắn chương trình, dự án đầu tư công với khung kết quả ở cấp tỉnh/ngành và với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia. 
 
Một CSDL dự án đầu tư công phục vụ cho công tác theo dõi và đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án đã được triển khai thí điểm tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2009. Theo đó, các Ban quản lý dự án có trách nhiệm phải cập nhật thường xuyên thông tin dự án, bao gồm các nội dung về: tiến độ, ngân sách, giải ngân, vấn đề vướng mắc, giải pháp tháo gỡ... lên hệ thống này. Đến thời điểm này, đã có trên 80% dự án đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đã thường xuyên được cập nhật lên hệ thống, chủ yếu để theo dõi về tiến độ, giải ngân và cập nhật thắc mắc, khó khăn và phương thức giải quyết của từng dự án. Để đảm bảo tính pháp lý, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng và ban hành quy định về ứng dụng CSDL dự án đầu tư công.
 
 
 
Q.M
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)