(MPI) – Đây là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh VBF tổ chức ngày 05/12/2016 tại Hà Nội, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Quốc gia WB Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Lào, Campuchia của IFC Kyle F. Kelhofer và đồng Chủ tịch Liên minh VBF Ryu Hang Ha. Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Diễn đàn tập trung thảo luận về tăng cường liên kết khu vực tư nhân trong nước với đầu tư nước ngoài và thu hút đầu tư khu vực tư nhân theo hướng phát triển xanh và bền vững.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn VBF 2016.
Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2016 có thể coi là “năm doanh nghiệp” của Việt Nam, đánh dấu chặng đường vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp để hướng tới một kỷ nguyên mới của hội nhập, hợp tác, cùng phát triển. Đây cũng là năm cộng đồng doanh nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều nhất của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội nhằm phát triển một lực lượng doanh nghiệp mạnh mẽ, xứng đáng là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển đất nước.
Sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như những khó khăn của nền kinh tế trong nước, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cũng như với sự nỗ lực, cố gắng của chính bản thân các doanh nghiệp, sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam đã phục hồi đáng kể và có những bước khởi sắc, môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện, doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Diễn đàn cùng nhau thảo luận, chỉ ra những rào cản đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó, tìm kiếm những giải pháp, xây dựng những mô hình hợp tác hiệu quả, không chỉ giữa các cơ quan Chính phủ với doanh nghiệp mà quan trọng hơn chính là hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, trong đó có doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.
Trong đó tập trung, một là, lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tuy đông đảo, nhưng chưa đủ mạnh và chưa đạt chuẩn quốc tế để tham gia hội nhập hiệu quả. Với tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97%, tuy có sự phong phú, đa dạng và giải quyết tốt vấn đề việc làm cho xã hội nhưng thiếu các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và khả năng để dẫn dắt cuộc chơi ngay tại thị trường trong nước cũng như tham gia hội nhập; Hai là, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục phát triển, số lượng doanh nghiệp FDI không ngừng tăng nhanh nhưng vẫn tồn tại khoảng cách giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước; Ba là, vấn đề môi trường trong các dự án đầu tư đã trở thành bài học không chỉ đối với nhà nước, xã hội mà còn đối với bản thân các doanh nghiệp. Quan tâm đến vấn đề môi trường ngay từ giai đoạn đầu tư dự án cho đến khâu vận hành là yêu cầu tiên quyết đối với một dự án đầu tư hiệu quả, bền vững và lâu dài. Đây chính là vấn đề cốt lõi của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Bốn là, nhờ những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh đã có cải thiện về thứ hạng. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN; Năm là, hỗ trợ của nhà nước để doanh nghiệp phát triển là cần thiết, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan điểm hỗ trợ của Chính phủ là “tạo con đường thuận lợi để đi” nhưng các doanh nghiệp cần “tự bước trên đôi chân của mình, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng bước nhanh đến đích”.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VBF 2016 cho rằng, năm 2016 là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, dù chưa được một năm nhưng cộng đồng kinh doanh thấy rõ những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Hàng loạt giải pháp cụ thể đã được Chính phủ thực hiện như trình Quốc hội sửa đổi nhiều luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Đặc biệt, Chính phủ đã đảm bảo những quy định đổi mới của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp được thực hiện nghiêm túc, hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại thông tư phải bãi bỏ, tiến hành rà soát nghiêm túc các điều kiện kinh doanh và ban hành gần 50 nghị định thay thế. Một khối lượng lớn công việc rất lớn đã được thực hiện trong thời gian rất ngắn, đảm bảo được mốc thời gian từ 01/7/2016 là các điều kiện kinh doanh tại thông tư phải bãi bỏ như luật quy định, nhưng cũng đảm bảo chất lượng các điều kiện kinh doanh này. Năm 2016 được dự báo là năm đầu tiên có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mốc kỷ lục, vượt con số 100 ngàn doanh nghiệp mới thành lập. Mới đây, WB cũng đã công bố chỉ số Môi trường kinh doanh trong đó Việt Nam tăng đến 9 bậc, vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN. Đây là những minh chứng thể hiện những kết quả ban đầu của quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá thì môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt trong thời gian qua nhưng so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN thì vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của doanh nghiệp thì lại càng xa. Các doanh nghiệp vẫn đang gặp hàng loạt khó khăn trong hoạt động của mình từ vay vốn khó khăn và lãi suất cao so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng hạ tầng kém cho đến các vướng mắc và khó khăn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất nhập khẩu…
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong bảo định vĩ mô, giữ trần nợ công. Với vai trò của kinh tế tư nhân trong nước đã được nhấn mạnh hơn, ông Kyle F. Kelhofertin tưởng rằng kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc.
Đồng chủ tịch VBF 2016, ông Ryu Hang Ha cũng chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là việc sửa đổi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa qua./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người đăng: Phông