• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng sắp có hiệu lực 
Kể từ ngày 15/6/2015, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó quy định một số nguyên tắc khi ký kết hợp đồng xây dựng, các loại hợp đồng xây dựng, mức tạm ứng hợp đồng…
Một trong những nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng là tại thời điểm ký kết hợp đồng, bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng. 
 
Đặc biệt, đối với nhà thầu liên danh, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định, việc phân chia khối lượng công việc trong thỏa thuận liên danh phải phù hợp với năng lực hoạt động của từng thành viên trong liên danh. Đối với nhà thầu chính nước ngoài, phải có cam kết thuê thầu phụ trong nước thực hiện các công việc của hợp đồng dự kiến giao thầu phụ khi các nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu. Như vậy, quy định này cũng sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước và hạn chế được tình trạng “nhập khẩu” lao động phổ thông nước ngoài vào thị trường xây dựng của Việt Nam. 
IMG
Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện
 Ảnh: LTT
Nghị định số 37/2015/NĐ-CP cũng quy định, chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Đối với trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính, nội dung của các hợp đồng này phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các công việc của hợp đồng để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng. Tổng thầu, nhà thầu chính được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện. Cùng với đó, giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng, trừ khối lượng phát sinh ngoài phạm vi công việc của gói thầu được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.
 
Về các loại hợp đồng xây dựng, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP phân loại theo 3 nhóm, bao gồm: theo tính chất, nội dung công việc hợp đồng xây dựng; theo hình thức giá hợp đồng; theo mối quan hệ của các bên tham gia trong hợp đồng.
 
Cụ thể, theo tính chất, nội dung công việc hợp đồng xây dựng, có 9 loại hợp đồng cơ bản (tư vấn xây dựng; thi công xây dựng công trình; cung cấp thiết bị công nghệ; thiết kế và thi công xây dựng công trình - EC; thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ - EP; cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình - PC; thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình - EPC; chìa khóa trao tay; cung cấp nhân lực, máy và thiết bị thi công). 
 
Theo hình thức giá hợp đồng, có 5 loại hợp đồng, gồm có: hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, hợp đồng theo thời gian, hợp đồng theo giá kết hợp. Còn theo mối quan hệ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng, có 4 loại hợp đồng, bao gồm: hợp đồng thầu chính, hợp đồng thầu phụ, hợp đồng giao khoán nội bộ, hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài.
 
Một điểm đáng chú ý khác của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP là quy định về mức tạm ứng hợp đồng. Về nguyên tắc, mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có); trường hợp đặc biệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép hoặc Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn, tổng công ty đối với trường hợp người có thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. 
 
Cụ thể, đối với hợp đồng tư vấn, mức tạm ứng tối thiểu là 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng; 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng. Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình, mức tạm ứng tối thiểu là 10% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng; 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị từ 10 - 50 tỷ đồng và 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng…
 
Những quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. 
 
Ngoài ra, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP cũng được áp dụng đối với dự án xây dựng có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên quan đến hợp đồng xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng tại Nghị định này.
 
Khi Nghị định số 37/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì sẽ thay thế Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng và  Nghị định số 207/2013/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP. 
 
 
Tuấn Dũng
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
 
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)