Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.
Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt về chương trình lớn này của Chính phủ.
Một chương trình có triển vọng
Ông nhìn nhận về mức độ khả thi của Nghị quyết này như thế nào?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Tôi đề nghị là chúng ta nên thay thế từ “khả thi” bằng một từ phù hợp hơn đối với trường hợp này là từ “triển vọng”. Tôi cho rằng đây là một Nghị quyết có triển vọng, bởi vì nó “điểm huyệt” được các nhược điểm có tính hệ thống của nền kinh tế. Nó chỉ ra được, thống kê được những nhược điểm có tính hệ thống mà Chính phủ phải tác động vào để thay đổi, để chấn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong không gian kinh tế. Hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh chính là bước chuẩn bị cần thiết cho Việt Nam để tiếp tục tham gia vào các hiệp định tự do thương mại quốc tế và khu vực.
Về tổng thể, tôi cho rằng đây là một chương trình hoàn toàn có triển vọng, bởi nó không chỉ thống kê được đầy đủ những yếu tố cần phải chấn chỉnh mà nó còn dự báo được các yếu tố liên quan tạo thuận lợi cho chương trình này. Ví dụ như sự thống nhất với các cơ cấu quyền lực khác nhau trong nước, sự đồng thuận đối với các lực lượng xã hội. Ngay trong lời mở đầu, Nghị quyết đã nói đến các điều kiện chính trị cơ bản để văn bản này trở thành có triển vọng. Tôi nghĩ cần phải đánh giá cao khía cạnh này. Tuy nhiên, để triển khai Nghị quyết, tôi nghĩ cần phải làm chi tiết thêm một số khía cạnh.
Nghị quyết này đã điểm huyệt đúng các căn bệnh cơ bản của kinh tế Việt Nam, tuy nhiên để chương trình nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trở nên toàn diện hơn, tôi nghĩ cần phải khâu nối được một số chương trình hoạt động nữa vào chương trình này. Ví dụ một trong những chương trình mà tôi cho rằng rất quan trọng là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và tài chính để làm cơ sở cho cải cách kinh tế nói chung. Thứ hai là chương trình cải cách các doanh nghiệp Nhà nước.
Vấn đề mà chúng ta thảo luận rất nhiều trên đài, báo gần đây là tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, lấy cổ phần hóa làm trung tâm cần phải được đưa vào. Đó là những hoạt động liên quan trực tiếp, thậm chí quyết định đến việc nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam.
Song song với chương trình mô tả trong Nghị quyết này của Chính phủ, chúng ta thấy có nhiều chương trình cấp Nhà nước khác cũng đang triển khai trên lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ chương trình cải cách tư pháp, chương trình cải cách hành chính. Cải cách hành chính để chống phiền hà, để làm cho độ tự do của các doanh nghiệp hay là của các hành vi kinh doanh trong môi trường kinh tế của chúng ta trở nên tốt hơn. Hoặc một ví dụ khác là chương trình đổi mới toàn diện giáo dục để lực lượng lao động được đào tạo một cách phù hợp hơn với đòi hỏi của thực tế. Đó là những ví dụ mà về bản chất chính là những chương trình nằm trong một chiến lược tổng thể về nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Có thể ghép những chương trình Nhà nước có liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh như vậy vào với chương trình này và biến nó thành một chương trình cải cách rộng lớn về nâng cao sức cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh.
Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Theo ông, Chính phủ nên thực hiện chương trình lớn này của mình như thế nào?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ là Văn phòng Chính phủ cần biên soạn nội dung của Nghị quyết này thành một bản tóm tắt để giúp cho tất cả những người tham gia vào quá trình triển khai tiếp cận nó một cách dễ dàng hơn. Về hình thức thì đây là một nghị quyết nhưng thực ra nó là một chương trình cải cách kinh tế xã hội. Vì thế cần phải có một bản tóm tắt mô tả toàn bộ quá trình này và điểm những khâu chiến lược để làm điểm nhấn cho việc triển khai nó. Đó là việc thứ nhất.
Việc thứ hai là phải phổ biến chương trình này đến các doanh nghiệp. Cần phải làm thế nào để các doanh nghiệp hiểu được lợi ích mà họ có được khi chương trình này được tiến hành. Chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh cho ai nếu các doanh nghiệp không vỗ tay hưởng ứng? Hơn nữa chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh theo những tiêu chuẩn nào, những hệ thống tiêu chuẩn ấy thỏa mãn ai cũng cần phải làm rõ. Chúng ta phải tham khảo các doanh nghiệp để tìm hiểu xem họ chờ đợi một môi trường kinh doanh như thế nào.
Bên cạnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần phải hỗ trợ Chính phủ trong việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đảng đoàn trong Khối Doanh nghiệp Nhà nước cũng cần phải làm như vậy. Rồi những tổ chức như Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phải được tham khảo để chúng ta có thể biết được các nhà đầu tư nước ngoài cần một môi trường kinh doanh như thế nào. Từ đó chúng ta mới xây dựng các hệ tiêu chuẩn cho việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Việc thứ ba cực kỳ quan trọng là phải phổ biến quốc tế. Đây không phải là câu chuyện riêng của người Việt Nam, đây cũng không phải chúng ta xác định một tiêu chuẩn cho một khối kinh doanh có sẵn. Mà đây là cải thiện môi trường kinh doanh để hấp dẫn, để kêu gọi cả đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, như đã nói ban đầu, chúng ta đang xúc tiến tham gia vào một số hiệp định thương mại của thế giới cũng như của khu vực cho nên nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh chính là bước chuẩn bị cần thiết. Chính vì thế cần phải phổ biến quốc tế về ý chí xây dựng một môi trường kinh doanh có sức cạnh tranh của Chính phủ Việt Nam.
Tôi nghĩ là có lẽ cần phải có họp báo quốc tế để thông báo rõ ràng với cộng đồng kinh doanh quốc tế cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đã có ở đây và chưa có ở đây rằng Việt Nam định làm thế. Việc này làm sau khi đã lấy được ý kiến của các khối doanh nghiệp mà tôi vừa nói.
Nhưng phải nói rằng tất cả những việc nêu trên chỉ có ích chừng nào chúng ta làm được việc giải thoát các doanh nghiệp - những người lính chủ chốt của nền kinh tế ra khỏi tình trạng nợ nần hiện nay. Nếu nói là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thì trước hết phải nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước cũng như ngoài Nhà nước đang kẹt cứng trong nợ nần. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải có các giải pháp tài chính. Bộ Tài chính cần phải nghiên cứu để đưa ra các giải pháp tài chính treo các khoản nợ như thế nào đó chứ không thể giải quyết được bằng việc dùng một vài nghìn tỷ đồng mua nợ xấu như hiện nay. Nếu không có một giải pháp để treo nợ lên hoặc Chính phủ bỏ hẳn một ít tiền để cứu các ngân hàng, cứu các xí nghiệp công nghiệp như Chính phủ Mỹ làm thì chúng ta có xây dựng được môi trường kinh doanh tốt cũng không có người để kinh doanh.
Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện chương trình cổ phần hóa. Cần làm thế nào đó để gắn chương trình cổ phần hóa với chiến lược này làm cho các nhà kinh doanh thấy rằng cần phải cổ phần hóa nhanh lên để tham gia vào chương trình này chứ không phải để tránh kỷ luật. Phải làm thế nào để động viên họ và phải có giải pháp tài chính. Phải biết treo nợ thế nào để cho họ còn làm ăn được, hoặc phải biết mua lại nợ của họ thế nào để lúc nào đó Chính phủ có thể bán được thì bán hoặc không thì ân xá.
Phải nói là tư nhân không nợ nhiều lắm, một vài tập đoàn thôi, cái chính là phần lớn nợ xấu nằm trong khu vực Nhà nước, cho nên ân xá thì nó cũng không chảy ra ngoài được, nó không làm mất mát tài sản quốc gia, nó chỉ giải phóng các doanh nghiệp. Việc này phải có chương trình, phải bàn rất kỹ.
Phải làm như thế nào để có giải pháp tài chính kết hợp với chuyện mua bán nợ để giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu. Anh nào mua được, bán được là tích cực, bán dưới mệnh giá cũng là tích cực, bán dưới giá trị sổ sách cũng là tích cực. Nếu không làm được thì phải treo nợ để cho doanh nghiệp còn làm ăn.
Hãy quay trở về nghiên cứu cách giải cứu lực lượng doanh nghiệp ở Việt Nam, các nhà sản xuất, các nhà bán hàng Việt Nam, giải cứu những người đã trót kẹt vào trong khủng hoảng kinh tế. Công việc ấy phải được xem là một trong những trọng tâm của chương trình nâng cao sức cạnh tranh.
Phải làm cho xã hội chú ý tới chuyện này và cao hơn nữa là phải làm cho hệ thống chính trị tập trung nỗ lực vào chuyện này, bởi vì vấn đề không phải là trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ mà là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Cần phải thu hút sự chú ý của xã hội, và phải thống nhất quan tâm của hệ thống chính trị thì tự nhiên chương trình sẽ thành hiện thực dần dần.
Độ tin cậy hay tính khả thi của chương trình chỉ có thể nói được vào năm thứ hai, và đầu năm thứ ba của chương trình. Bây giờ nói về triển vọng, nhưng đến năm thứ ba của chương trình này chúng ta sẽ nói đến tính khả thi. Khi nào chúng ta bắt đầu triển khai những mặt cá biệt của chương trình này thì chúng ta mới đánh giá được tính khả thi.
Lợi ích của người dân
Theo ông, người dân sẽ được hưởng lợi gì khi Nghị quyết này được thực thi?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Người dân là những hộ kinh doanh nhỏ, nếu có một môi trường kinh doanh xét đến quyền lợi của tất cả các cấp độ kinh doanh trong một nền kinh tế thì người dân được hưởng lợi. Người dân có quyền tự do kinh doanh, quy mô tùy thuộc vào khả năng của mỗi một người, từ người mở quán bán nước chè cho đến một đại công ty.
Cái mà nhân dân được hưởng là quyền kinh doanh trong một môi trường được đảm bảo. Nhân dân được hưởng môi trường mà ở đấy cả người bé và người lớn đều có thể làm phù hợp với khả năng của mình. Trong chính sách này tuyệt đối không phân biệt đẳng cấp. Dù dùng chữ khéo đến mấy cũng không được coi thường các xí nghiệp bé, các công ty bé.
Nghiên cứu kết cấu bê tông có thể thấy không ai cho vào đó toàn đá mà không có cát. Toàn bộ cơ cấu quyền lực kinh tế là một kết cấu bê tông mà các xí nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí các hộ kinh doanh tư nhân chính là cát, là sỏi nhỏ, còn các đại công ty là những hòn đá, cái tạo ra sự dính kết là Chính phủ. Chính phủ nắm giữ vai trò kết dính trong toàn bộ cơ cấu bê tông của nền kinh tế. Các hộ kinh doanh là những hạt cát hay hạt sỏi nhỏ. Còn doanh nghiệp Nhà nước ngoài địa vị là những hòn đá ra thì còn là cốt thép nữa, bởi nó giằng buộc nền kinh tế để có thể chịu đựng những cơn sốc của thị trường.
Nếu có một lời khuyên cho các doanh nhân, những người đang làm chủ các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, ông sẽ nói gì?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Thận trọng, đầu tư không liều mạng và phải hiểu môi trường xã hội một cách rất chính trị học thì mới có đủ bản lĩnh để thận trọng. Giai đoạn vừa rồi là chúng ta dễ dãi, chúng ta cũng hô to, cũng thổi kèn rất lãng mạn và khối anh nhảy xuống vực. Cái đó là lỗi, bởi không đo được năng lực của các nhà kinh doanh Việt Nam.
Chúng ta càng ngày càng bị ràng buộc bởi các hiệp định thương mại quốc tế, các hiệp định BTA, và sắp tới là TPP. Tất cả những thứ như vậy vừa là triển vọng và vừa là thách thức, vừa là may mắn lại vừa là rủi ro. Nó chỉ trở thành may mắn chừng nào các doanh nghiệp, những người lính chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam được huấn luyện và được tạo đủ điều kiện để hành động. Trước mắt, việc cần thiết nhất là phải giải cứu những người lính ấy để họ đi đồng bộ với các chính sách vĩ mô của Chính phủ. Như thế thì Chính phủ sẽ tìm kiếm được sự đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)