• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Những giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng doanh nghiệp nợ thuế

Theo Cục thuế tỉnh, tính đến nay, tổng số nợ thuế của các công ty, doanh nghiệp trong toàn tỉnh là 514.093 triệu đồng. Trong đó, nợ khó thu 86.364 triệu đồng, nợ chờ xử lý 9.468 triệu đồng, nợ có khả năng thu 418.262 triệu đồng. Nếu lấy số nợ tính đến 31/5/2012 so với 31/12/2011 thì tổng nợ tăng 21%, trong đó nợ khó thu tăng 9%.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa nợ như “chúa chổm”
 
Hiện nay, tình hình nợ thuế trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nợ đọng thuế hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông sản như hạt điều, hồ tiêu, mủ cao su và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng.
 
Tổng số thu nợ 5 tháng đầu năm 2012 của các doanh nghiệp này là 101.359 triệu đồng, phần lớn là tiền thuế nợ đọng của năm 2011 chuyển sang. Qua phân tích tình hình nợ và các khoản nợ cho thấy, đa số các doanh nghiệp này chưa chấp hành nghiêm các chính sách pháp luật thuế. Các doanh nghiệp đang chiếm dụng tiền thuế của nhà nước để lấy vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Lý giải về tình hình nợ đọng thuế, Cục thuế tỉnh cho biết, do tình hình kinh tế thế giới suy thoái dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến thua lỗ thiếu vốn, từ đó chiếm dụng tiền thuế để bổ sung vốn kinh doanh và sau đó là mất khả năng chi trả. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa số các doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, nên việc quản trị doanh nghiệp, phân tích dự báo thị trường tiêu thụ và giá cả có nhiều hạn chế.
 
Mặt khác, các doanh nghiệp này lại kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp nên mức độ rủi ro cao, hơn nữa trong thời gian vừa qua, giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh, hàng hoá sản xuất ra không bán được. Doanh nghiệp lại chưa có khả năng phân tích dự báo giá cả và thị trường tiêu thụ đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có đơn vị nào của nhà nước đủ mạnh để phân tích dự báo giá cả thị trường hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
 
Để kìm chế lạm phát, các ngân hàng thực hiện chính sách siết chặt tiền tệ, nên nhiều doanh nghiệp không vay được vốn để sản xuất kinh doanh như dự định. Mặt khác, do khó khăn về kinh tế nên khi đến kỳ đáo hạn ngân hàng, các doanh nghiệp phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để đáo hạn, nhưng sau đó không vay được vốn do phía ngân hàng “e ngại” không tiếp tục hỗ trợ tín dụng, từ đó các doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
 
Vấn đề đáng chú ý là tiền phạt do chậm nộp tiền thuế thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, từ đó người nộp thuế cố tình chiếm dụng tiền thuế, không tự giác chấp hành nộp ngân sách theo quy định. Cơ quan thuế các cấp chưa áp dụng đồng bộ và cương quyết các biện pháp trong việc tuyên truyền và thực hiện cưỡng chế thuế, từ đó chưa nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nộp thuế trong việc chấp hành chính sách thuế. Mặt khác cơ quan thuế cũng chưa nhận được sự phối hợp đồng bộ và có trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác xử lý nợ đọng thuế, còn xem công tác thu nợ của riêng ngành thuế.
 
Hiện tượng chiếm dụng thuế
 
Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì cũng có một số doanh nghiệp thành lập ra nhằm chiếm dụng tiền thuế của nhà nước. Điển hình như Công ty TNHH MTV TM-DV Ánh Xuân, Công ty TNHH Việt Anh với số nợ đến ngày 31/5/2012 là 21.786 triệu đồng.
 
Các biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để thu hồi nợ thuế chưa thể thực hiện được do tài sản của các doanh nghiệp nợ thuế đều đã đem cầm cố, thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng. Nếu có tổ chức cưỡng chế bán được tài sản thì số tiền thu được cũng không đủ trả nợ ngân hàng, cụ thể như Công ty TNHH Phước Toàn, Công ty TNHH Đức Hiếu.
 
Cá biệt có doanh nghiệp cố tình dây dưa chiếm dụng tiền thuế, do lãi xuất vay ngân hàng lớn hơn tỷ lệ phạt chậm nộp. Chế tài liên quan đến công tác cưỡng chế nợ thuế chưa đủ mạnh để răn đe các hành vi vi phạm, nợ đọng thuế.
       
Những giải pháp hữu hiệu
 
Trước thực trạng nợ đọng thuế đáng báo động như hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã thành lập tổ chỉ đạo thu nợ thuế và chống thất thu ngân sách trên địa bàn, do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Cục thuế làm Phó ban thường trực chỉ đạo. Bên cạnh đó, 10/10 đơn vị huyện, thị xã đã thành lập tổ chỉ đạo hỗ trợ thu nợ thuế trên địa bàn do Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã làm tổ trưởng.
 
Song song đó, UBND tỉnh đã thành lập tổ rà soát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh quyết liệt chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Đồng thời xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đọng thuế dây dưa, kéo dài tẩu tán tài sản, giải thể doanh nghiệp cũ để chuyển đổi tên hoặc thành lập doanh nghiệp mới. Trong giai đoạn hiện nay, ngoài những giải pháp của Chính phủ, tỉnh Bình Phước đang tìm các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về tín dụng, về thị trường tiêu thụ hàng hoá và những chính sách về giảm, giãn thuế, gia hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn sản xuất kinh doanh hạn chế. Trong khi lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận với nguồn tín dụng này do không còn tài sản để thế chấp và thiếu phương án kinh doanh. Mặt khác, tiền phạt chậm nộp và thời hạn để cưỡng chế thu nợ theo Luật quản lý thuế chỉ sau 90 ngày nên các doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền thuế gây khó khăn cho công tác đôn đốc thu nợ.
 
Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên tình hình kinh tế trong nước diễn biến phức tạp. Giá cả các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh không ổn định, thị trường nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh giảm mạnh cả về giá và sản lượng, đặc biệt là hạt điều, mủ cao su. Bên cạnh đó, nhà nước áp dụng các chính sách kìm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng dẫn đến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn ngân hàng. Công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn… đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của người nộp thuế. Mặt khác, công tác dự báo thị trường tầm vĩ mô của nhà nước cũng như vi mô của các doanh nghiệp chưa chính xác, kịp thời dẫn đến rủi ro cao. Nhiều đơn vị thua lỗ không có khả năng thanh toán nợ cho nhà nước, nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản mà chuyển nhượng doanh nghiệp cho người khác hoặc để các thành viên khác trong gia đình đứng tên thành lập Công ty mới.
 
Tỉnh đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, tăng cường các giải pháp để thực hiện tốt công tác thu nợ, phấn đấu đến 31/12/2012  nợ đọng có khả năng thu trên địa bàn giảm xuống dưới 5%  (hiện nay  là 12%). Số thu nợ tuyệt đối phải đạt từ 100 đến 140 tỷ đồng. Cục thuế Bình Phước yêu cầu các phòng chức năng, phòng Kiểm tra Cục thuế và Chi cục thuế các huyện, thị xã khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp hữu hiệu nhất. Đó là xây dựng và giao kế hoạch thu nợ theo từng tháng, quý, chi tiết từng khoản thu, từng sắc thuế, từng địa bàn khu vực kinh tế cho các phòng, chi cục thuế và từng cán bộ. Thực hiện ban hành thông báo nợ thuế và phạt chậm nộp hàng tháng, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ và hành chính đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nộp ngay tiền thuế, tiền phạt còn nợ đọng vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
 
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phân tích diễn biến, tình hình nợ thuế của người nộp thuế; rà soát lại tất cả các khoản nợ thuế và kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Những doanh nghiệp, công ty có dấu hiệu mua bán hoá đơn hoặc chiếm đoạt tiền thuế phối hợp với các ngành kiểm tra xác minh củng cố chứng cứ, chuyển cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật./.
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)