• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Phát triển du lịch xứng với tiềm năng

(CTTĐTBP) - Ông Nguyễn Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn về việc Bình Phước chú trọng phát triển mạnh lĩnh vực du lịch để tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

 


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong.

Du lịch Bình Phước đã và đang phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Thời gian tới, các dự án và địa điểm du lịch trọng điểm của tỉnh sẽ được các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng, thu hút đầu tư đồng bộ, phục vụ quy hoạch bền vững, chiến lược. 
 
PV: Những năm gần đây, du lịch Bình Phước đã có nhiều bước phát triển mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xin ông cho biết một số kết quả nổi bật?
 
Ông Nguyễn Huy Phong:Nhận thức được tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương đã chú trọng quan tâm đầu tư các điểm du lịch trọng điểm; đồng thời kêu gọi các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. 
 
Trong giai đoạn 2006 - 2010, toàn tỉnh đã huy động gần 181,92 tỷ đồng (vốn doanh nghiệp và ngân sách địa phương) đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, điều chỉnh quy hoạch nhiều khu du lịch mới.
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Phước giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020.  
 
Cáp treo Bà Rá - Thác Mơ đã đi vào hoạt động và thu hút một lượng lớn khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.
 
Tỉnh cũng đã và đang quan tâm xây dựng quy hoạch phân khu chức năng và tiến hành đầu tư kết cấu hạ tầng, các hạng mục khu du lịch Bà Rá - Thác Mơ (thị xã Phước Long), Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng (sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng), tuyến du lịch quốc tế Việt Nam (Bình Phước) - Campuchia - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, huyện Lộc Ninh…
 
Hệ thống cơ sở lưu trú được xây dựng, cải tạo với chất lượng ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
 
Lượng khách đến tham quan và doanh thu của ngành đã tăng lên khá nhanh. Chỉ tính riêng năm 2010, tổng lượt khách đạt 123.518 lượt, tăng 12,3% kế hoạch đề ra, tăng 26,77% so năm 2009.
 
Trong đó khách nội địa ước đạt 117.368 lượt, khách quốc tế ước đạt 6.150 lượt; tổng doanh thu đạt 104,585 tỷ đồng, tăng 3,5% so với kế hoạch và tăng 101,35% so năm 2009.
 
Trong giai đoạn 2006 - 2010, lượt khách du lịch tăng bình quân hàng năm đạt 30,18%; doanh thu từ dịch vụ du lịch có tốc độ tăng bình quân 38,57%, chủ yếu từ chi tiêu của khách về lưu trú, ăn uống.
 
PV: Trong quá trình phát triển, du lịch Bình Phước đang gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
 
Ông Nguyễn Huy Phong:Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những khu vực phát triển kinh tế mạnh so với cả nước và tiếp giáp khu vực Tây Nguyên - một trong những khu vực có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo.
 
Bình Phước thuận lợi về giao thông và có đường biên giới dài 240 km giáp với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cửa khẩu quốc gia Hoàng Diệu. Bình Phước có những tiềm năng du lịch độc đáo như trảng cỏ Bù Lạch, hồ Thác Mơ, núi Bà Rá, thác Đứng, rừng nguyên sinh Tây Cát Tiên, vườn quốc gia Bù Gia Mập; sóc Bom Bo, Phú Riềng Đỏ. 
Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung và khánh thành Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
 
Các lễ hội như lễ hội cầu mưa, lễ hội miếu Bà Rá, lễ tết Chol Chnăm Thmây... đều có khả năng hình thành các điểm đến du lịch hấp dẫn và kết nối tour tuyến với các điểm đến du lịch nổi bật của khu vực: Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Á…
 
Trong quá trình phát triển, ngành du lịch Bình Phước đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là thực trạng phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử có tiềm năng lớn nhưng lại chưa được đầu tư, khai thác tốt; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu.
 
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chậm phát triển và thiếu đồng bộ, các doanh nghiệp hoạt động du lịch còn ít, chưa đủ mạnh; các lễ hội chưa được tổ chức tốt để thu hút du khách; sản xuất hàng lưu niệm chưa phát triển; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
 
PV: Trảng cỏ Bù Lạch và khu vực núi Bà Rá - hồ Thác Mơ được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thể thao và sinh thái. Tỉnh đã có định hướng gì cho hai khu du lịch này?
 
Ông Nguyễn Huy Phong: Trảng Cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thể thao; còn khu vực núi Bà Rá - hồ Thác Mơ (thị xã Phước Long) có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Chính vì thế, Bình Phước đã và đang đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng và định hướng phát triển các loại hình du lịch như tại hai khu du lịch này.
 
Tỉnh đã thuận chủ trương cho Công ty CP Quảng cáo Sao Thế Giới (TP.HCM) tiến hành xây dựng dự án phim trường ngoài trời kết hợp với du lịch sinh thái tại trảng cỏ Bù Lạch.
 
Còn khu du lịch Bà Rá - Thác Mơ, đã và đang thu hút được một số nhà đầu tư, xây dựng; đồng thời thông qua quy hoạch chi tiết cho toàn khu, gồm: Khu du lịch sinh thái núi Bà Rá 1.300 ha, đảo khỉ trên hồ Thác Mơ 200 ha và phạm vi bảo vệ sinh thái toàn bộ vùng núi Bà Rá và lòng hồ Thác Mơ 1.000 ha.
 
Vào tháng 3/2010, dự án cáp treo núi Bà Rá – Thác Mơ đã đi vào hoạt động, thu hút một lượng lớn khách du lịch tới đây tham quan.
 
PV: Những dự án, điểm du lịch nào sẽ được tỉnh ưu tiên triển khai thu hút đầu tư trong thời gian tới?
 
Ông Nguyễn Huy Phong:Mục tiêu chủ yếu của ngành du lịch Bình Phước đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 là đầu tư vào 4 dự án điểm: Dự án trùng tu, tôn tạo khu căn cứ Quân ủy Bộ chỉ huy miền Tà Thiết; quy hoạch và xây dựng khu du lịch núi Bà Rá - Thác Mơ; đầu tư phát triển Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng (sóc Bom Bo); đưa tuyến du lịch quốc tế Việt Nam (Bình Phước) - Campuchia - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (của tỉnh) vào khai thác.
 
Tỉnh cũng sẽ ban hành các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng một số nhà hàng đạt tiêu chuẩn và một số cụm, điểm du lịch hấp dẫn khác./.
 
 
Ngọc Thành
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)