Theo Nghị định, cấu trúc của Bộ Pháp điển gồm các phần như chủ đề, đề mục, phần, chương, mục, điều, ghi chú, chỉ dẫn trong Bộ Pháp điển.
Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề gồm: An ninh quốc gia; Bảo hiểm; Bưu chính, viễn thông; Bổ trợ tư pháp; Cán bộ, công chức, viên chức; Chính sách xã hội; Công nghiệp; Dân số, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới;... Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội chưa thuộc các chủ đề đã có trong Bộ pháp điển thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan thực hiện pháp điển đề nghị Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề.
Đề mục là bộ phận cấu thành của chủ đề, trong đó chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội thuộc chủ đề.
Nghị định nêu rõ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp các đề nghị về xây dựng đề mục và lấy ý kiến các cơ quan có liên quan về Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục.
Cơ quan thực hiện pháp điển thu thập các văn bản thuộc nội dung của đề mục gồm: Văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản đó; các văn bản có nội dung liên quan đến các văn bản quy định tại Điểm a khoản này.
Nghị định nêu rõ, nội dung không pháp điển là các QPPL đã hết hiệu lực vào thời điểm cơ quan thực hiện pháp điển tiến hành việc pháp điển; quốc hiệu, căn cứ ban hành, lời nói đầu, phần về quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền, dấu của cơ quan, tổ chức, nơi nhận văn bản.
Xử lý các QPPL mâu thuẫn, chồng chéo
Nghị định cũng quy định việc xử lý, kiến nghị xử lý các QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế.
Cụ thể, trường hợp phát hiện có QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong văn bản do mình ban hành hoặc trong văn bản liên tịch do mình chủ trì soạn thảo, thì cơ quan thực hiện pháp điển xử lý theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi sắp xếp các quy phạm pháp luật vào đề mục.
Trường hợp phát hiện có QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong các văn bản không thuộc trường hợp quy định thì cơ quan thực hiện pháp điển vẫn tiến hành việc pháp điển, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Minh Phương
Nguồn: chinhphu.vn