Tiến sỹ Hồ Văn Hoành
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời đã công bố mục tiêu, quan điểm, nội dung, giải pháp cụ thể để phát triển ngành nông nghiệp nước ta trong giai đoạn mới. Đây là một Đề án hết sức quan trọng nhằm vực dậy nền kinh tế nước nhà…
Nhiều nhưng chưa mạnh
Trong những năm qua ngành nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam suy giảm, nhiều rảo cản thương mại song đã đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 27,5 tỷ USD trong năm 2012, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản đứng nhất, nhì trong tốp đầu của thế giới.
Tuy vậy, hàng xuất khẩu của nông nghiệp nước ta giá thành cao, chất lượng thấp, chưa xây dựng được thương hiệu, sức cạnh tranh còn yếu so với các nước khác, dẫn đến giá nông sản, thủy sản của nước ta biến động thất thường, xu hướng ngày càng giảm so với các nước trong khu vực và thế giới, ảnh hưởng đến thu nhập của người làm nông nghiệp… Mặt khác vốn đầu tư của toàn xã hội cho nông nghiệp chưa xứng tầm, từ 13,8% năm 2000 xuống 6,2% năm 2010 và xuống còn 6% năm 2011, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn có tăng nhưng dàn trải, thiếu tập trung. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thấp, tỷ trọng giảm từ 8% năm 2001 xuống còn dưới 1% năm 2012, lý do là nguồn lực ở nông thôn nước ta trình độ còn yếu, các nhà đầu tư không mặn mà, khả năng thu được lợi nhuận sẽ không cao.
Công tác chỉ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp của các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc quy hoạch trên địa bàn cả nước, vùng lãnh thổ và tỉnh, huyện, xã chưa phù hợp với đặc điểm từng vùng để phát huy lợi ích trước mắt và lâu dài, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Điều này thể hiện rất rõ trong việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh lớn ở từng vùng: miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo? Cũng như vấn đề chế biến, bảo quản như thế nào? Và thị trường nào sẽ nhập khẩu sản phẩm do ta sản xuất? Trong khi đó các nhà máy chế biến mọc lên như nấm không theo một quy hoạch nào…
Đặc điểm của ngành Nông nghiệp nước ta từ sản xuất, dịch vụ đến chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa phải qua một công đoạn trung gian đó là “hàng xáo, thương lái, nậu vựa”. Họ là những người ở trong nước và kể cả nước ngoài có mặt khắp nẻo đường từ miền núi, đồng bằng đến ven biển, hải đảo. Thiếu những người này thì sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ không thể đứng vững được nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nhưng thực tế họ thiếu sự quản lý, hướng dẫn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ… của các cơ quan chức năng, dẫn đến sự tranh mua, tranh bán, nâng cấp, hạ giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh, chạy theo lợi nhuận dẫn đến chất lượng nguyên liệu và sản phẩm giảm sút, thất thoát sau thu hoạch cao, bất chấp đến an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và thương hiệu các mặt hàng xuất khẩu.
Sự liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp hiện nay chưa đi vào thực chất, thậm chí có nơi, có lúc còn cạnh tranh, đối kháng với nhau vì lợi nhuận…
Một thực trạng phổ biến ở nông thôn hiện nay, do thu nhập thấp, thiếu việc làm, một bộ phận không nhỏ lao động trẻ đã ly hương ra thành phố hoặc lao động tự do để có thu nhập cao hơn, lực lượng còn lại ở nông thôn phần lớn là trung niên và người già hầu hết là lao động giản đơn, ít có khả năng tiếp nhận kiến thức mới, trong khi đó tổ chức bộ máy quản lý làng xã thiếu chuyên nghiệp, trình độ quản lý nghiệp vụ thấp, đây là một trở ngại lớn cho việc xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Để ngành Nông nghiệp “cất cánh”
Từ thực tiễn trên, để thực hiện Đề án thành công, thì cần triển khai 5 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục bổ sung quy hoạch ngành Nông nghiệp trong cả nước từng vùng, tỉnh, huyện, xã theo mục tiêu của đề án đó là theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… Đội ngũ làm công tác quy hoạch phải là các nhà quản lý, doanh nghiệp và khoa học công nghệ có trình độ chuyên môn, am hiểu về nghiệp vụ, kỹ thuật và thị trường…
Thứ hai, tổ chức lại bộ máy quản lý ở tỉnh, huyện, xã nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng gọi nhẹ, hiệu quả, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho họ trong việc xây dựng nông thôn mới, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thứ ba, phải làm thay đổi tư duy, cải thiện môi trường sống cho người nông dân, nâng cao học vấn cho con cái của họ, phát động tinh thần làm chủ, ý thức sáng tạo, tự lực, hợp tác, đoàn kết cộng đồng, không ỷ lại vào nhà nước.
Thứ tư, có chính sách và biện pháp đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đào tạo nghề cho người dân phù hợp cho từng đối tượng để họ an tâm làm việc trên mảnh đất của mình. Khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp theo hướng xuất khẩu.
Thứ năm, xây dựng các mô hình cho từng vùng miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển và hải đảo theo tinh thần chuyển số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, ưu tiên phát triển sản xuất các mặt hàng nông thủy sản có lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh đầu tư tư nhân, thực hiện chuỗi sản xuất từ vùng nguyên liệu, dịch vụ hậu cần, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa gắn với môi trường…, đồng thời có biện pháp quản lý, đào tạo, sử dụng và hạn chế mặt tiêu cực của đội ngũ nậu vựa, thương lái, hàng xáo trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; đưa công nghệ sinh học và công nghệ cao vào sản xuất gắn với thị trường đảm bảo môi trường sống và khắc phục được những vấn đề đã đề cập ở trên. Đúc kết kinh nghiệm từ các mô hình đó bổ sung và nhân rộng ra trong phạm vi cả nước.
TS. Hồ Văn Hoành
Phó Chủ tịch Trung ương
Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài VN