• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Tăng tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu 

Chỉ định thầu là hình thức lựa chọn nhà thầu cần thiết để giải quyết những trường hợp cấp bách hay bảo đảm bí quyết công nghệ, bí mật quốc gia... Tuy nhiên, chỉ định thầu cũng bộc lộ những mặt trái, tiêu cực, tạo cơ chế xin – cho. Để khắc phục tồn tại và bất cập này, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã đưa ra những quy định trong lựa chọn nhà thầu vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt.

IMG
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã đưa ra những quy định trong lựa chọn nhà thầu vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt
Ảnh: Lê Tiên
 
Ông Amr J. Qari – chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nhận xét: “Chỉ định thầu thường có chi phí cao hơn so với các hình thức lựa chọn nhà thầu khác, bởi vì không bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh cơ chế xin – cho, tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu”. 
 
Trên cơ sở khảo sát kỹ và nghiên cứu sâu thực tiễn hoạt động đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ ràng, chặt chẽ và liệt kê cụ thể hơn  các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu so với Luật Đấu thầu năm 2005 (Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013). Đồng thời, xuất phát từ yêu cầu của thực tế hiện nay, Luật Đấu thầu năm 2013 cũng bổ sung một số trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, chẳng hạn như bổ sung: “gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”… 
 
Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Nghị định 63) vừa được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2014 đã có quy định hạn mức chỉ định thầu khá chặt chẽ. Theo đó, hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công là không quá 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công thuộc dự án đầu tư phát triển là không quá 01 tỷ đồng; gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên là không quá 100 triệu đồng. Hạn mức này thấp hơn so với quy định của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP.
 
So sánh hạn mức chỉ định thầu qua các thời kỳ cho thấy, hạn mức chỉ định thầu trong Nghị định 85/2009/NĐ-CP là rất cao. Lý giải hạn mức cao bất thường này, nhiều chuyên gia cho rằng, đó là do chính sách kích cầu sản xuất trong nước của Chính phủ vào thời điểm diễn ra khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước giai đoạn 2008 - 2009. Tại thời điểm đó, chính sách kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng, tuy nhiên, việc nới rộng hạn mức chỉ định thầu trong một thời gian dài đã dẫn tới tình trạng lạm dụng, chỉ định thầu tràn lan, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây thất thoát và lãng phí. 
IMG
Theo tinh thần Luật Đấu thầu năm 2013, dù gói thầu đủ điều kiện để chỉ định thầu,
nhưng chủ đầu tư muốn lựa chọn hình thức khác để bảo đảm tính cạnh tranh hơn thì có thể tùy lựa chọn
Ảnh: LTT
 
Trong quá trình xem xét dự thảo Luật Đấu thầu năm 2013, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải siết chặt hạn mức chỉ định thầu. Đồng thời, để tạo tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất quy định hạn mức này trong Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2013. Những chế tài chặt chẽ này được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng chỉ định thầu trong thời gian tới. 
 
Trên thực tế, chỉ định thầu không phải lúc nào cũng tốt. Do đó, Khoản 3 Điều 22 của Luật Đấu thầu năm 2013 quy định theo hướng mở hơn. Cụ thể là quy định “đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu quy định tại Khoản 1 Điều này và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác thì khuyến khích áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác”. Như vậy, mặc dù gói thầu đủ điều kiện để chỉ định thầu, nhưng chủ đầu tư (CĐT) muốn lựa chọn hình thức khác để bảo đảm tính cạnh tranh hơn thì có thể tùy lựa chọn. Trên thực tế, nhiều CĐT đã chọn hình thức chào hàng cạnh tranh để áp dụng, mặc dù gói thầu đó đủ điều kiện để chỉ định thầu, đặc biệt là những doanh nghiệp. Vì thế, yêu cầu này của thực tế đã được phản ánh vào Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định 63. Về hạn mức chỉ định thầu theo Nghị định 63 thấp hơn rất nhiều so với Nghị định 85/2009/NĐ-CP tuy là sẽ thắt chặt hơn việc áp dụng hình thức chỉ định thầu, nhưng Nghị định 63 lại mở ra hướng áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác mang tính cạnh tranh hơn và linh hoạt hơn, đó là đã nới rộng hạn mức chào hàng cạnh tranh từ 2 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng đối với tất cả các gói thầu. Như vậy, đối với những gói thầu mua sắm hàng hóa có giá dưới 2 tỷ đồng, gói thầu xây lắp có giá dưới 5 tỷ đồng trước kia được áp dụng chỉ định thầu thì nay không được áp dụng chỉ định thầu nữa nhưng vẫn được áp dụng chào hàng cạnh tranh và quy trình tổ chức chào hàng cạnh tranh thường đơn giản và ngắn gọn hơn so với quy trình đấu thầu rộng rãi thông thường.    
 
Ngoài ra, Nghị định 63 còn cho phép chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn. Quy trình này được áp dụng đối với những gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản, có giá trị không quá 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng và gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt có giá trị không quá 1 tỷ đồng.
 
Những điểm khác biệt trên đây của Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định 63 so với Luật Đấu thầu năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP được quy định nhằm khuyến khích lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu cạnh tranh và hiệu quả nhất.
 
Như vậy, chỉ định thầu không phải là đáp án duy nhất, nếu CĐT thực sự mong muốn lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, cạnh tranh và quy trình nhanh gọn, dễ thực hiện. Việc khuyến khích lựa chọn các hình thức khác ngoài chỉ định thầu sẽ khắc phục phần nào tình trạng chỉ định thầu tràn lan nhưng lại kém hiệu quả trong thời gian qua. Nếu CĐT/bên mời thầu nào có ý định gian lận thì sẽ phải kiêng dè, cẩn trọng, cân nhắc hơn so với trước đây. Đó là vì họ sẽ phải đối chất với các cơ quan có thẩm quyền, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
 
 
Lê Tiến Cường
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)