• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Thành lập Cục Quản lý xử lý VPHC thuộc Bộ Tư pháp Tin có hình

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan tư pháp địa phương". Theo đó, sẽ thành lập Cục Quản lý xử lý VPHC thuộc Bộ Tư pháp.

Ảnh minh họa
Mục tiêu của Đề án nhằm tổ chức thi hành Luật Xử lý VPHC một cách thống nhất, toàn diện, hiệu quả, bảo đảm trật tự quản lý Nhà nước và phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC mà Luật Xử lý VPHC đã giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp; tạo điều kiện về tổ chức bộ máy, biên chế cho các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
 
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC

Theo Quyết định, thành lập Cục Quản lý xử lý VPHC thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về xử lý VPHC theo quy định.
Cục Quản lý xử lý VPHC có nhiệm vụ theo dõi, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về xử lý VPHC và các phương án xử lý các bất cập, hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật về xử phạt VPHC. Đồng thời, hướng dẫn công tác phổ biến pháp luật về xử lý VPHC; hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ trong việc thực hiện pháp luật về áp dụng pháp luật về xử phạt VPHC.
Bên cạnh đó, Cục này cũng có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xử lý VPHC; thực hiện kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Cục Quản lý xử lý VPHC có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC; thiết lập, duy trì hoạt động của cổng thông tin để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, kết quả giải quyết các vụ việc VPHC theo quy định...
Để đảm bảo triển khai chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý xử lý VPHC gồm 1 Cục trưởng, không quá 3 Phó Cục trưởng và 5 đơn vị trực thuộc gồm: Văn phòng Cục; Phòng Chính sách, pháp luật; Phòng nghiệp vụ xử lý VPHC; Phòng Cơ sở dữ liệu về xử lý VPHC; Trung tâm thông tin pháp luật về xử lý VPHC.
 
Bổ sung biên chế quản lý Nhà nước về xử lý VPHC tại bộ, ngành, địa phương

Bên cạnh việc thành lập Cục Quản lý xử lý VPHC, sẽ kiện toàn tổ chức pháp chế thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan tư pháp địa phương.

Căn cứ vào khối lượng công việc, nhu cầu hoạt động thực tế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bố trí đủ biên chế cho Vụ Pháp chế để bảo đảm hoàn thành đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Xử lý VPHC và Nghị định 81/2013/NĐ-CP.

Tại địa phương, thực tế công tác xử lý VPHC diễn ra thường xuyên và tập trung ở địa phương. Do vậy, để đảm bảo triển khai thực hiện nhiệm vụ được thống nhất, kịp thời và có hiệu quả, UBND cấp tỉnh kiện toàn tổ chức, biên chế thuộc Sở Tư pháp để giúp UBND cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xử lý VPHC.
Cụ thể, thành lập Phòng Quản lý xử lý VPHC tại Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với ít nhất là 7 biên chế công chức; tại Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ với ít nhất là 5 biên chế.
Đối với Sở Tư pháp các tỉnh chưa thành lập Phòng Quản lý xử lý VPHC thì Sở Tư pháp phân công nhiệm vụ quản lý công tác xử lý VPHC cho phòng chuyên môn thích hợp thuộc Sở trên tinh thần bổ sung từ 3-5 biên chế chuyên trách để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
Căn cứ vào yêu cầu và khối lượng công việc quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC của địa phương, UBND cấp tỉnh bổ sung biên chế cho  Phòng Tư pháp cấp huyện, bảo đảm mỗi Phòng Tư pháp ít nhất 1 biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đảm bảo bố trí đủ biên chế công chức Tư pháp-Hộ tịch để giúp UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác tư pháp, trong đó có quản lý Nhà nước về xử lý VPHC trên địa bàn.
 
 
 
Hoàng Diên
Nguồn: chinhphu.vn
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)