Ảnh minh họa
Theo thông báo kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành bằng được kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014-2015, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp chưa thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, trong Quý I/2015 cần thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và xác định giá trị doanh nghiệp, phấn đấu trong Quý III/2015 công bố giá trị doanh nghiệp và Quý IV phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
Đối với doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức ngay việc xác định giá trị doanh nghiệp, phấn đấu trong Quý II/2015 tất cả đều công bố được giá trị doanh nghiệp và Quý III/2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
Đối với doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, phấn đấu đến Quý I/2015 tất cả đều công bố được giá trị doanh nghiệp và cuối Quý II/2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
Đối với doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, trong Quý I/2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
Những doanh nghiệp có điều kiện thì thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) theo quy định hiện hành. Những doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường.
Xử lý nghiêm lãnh đạo DN không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBDN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN thuộc phạm vi quản lý giai đoạn 2014-2015; trong quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thực hiện.
Phó Thủ tướng lưu ý, sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp đủ điều kiện phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp đã IPO nhưng tỷ lệ bán cổ phần chưa đạt như phương án đề ra, cần tiếp tục bán cổ phần. Không chuyển các đơn vị sự nghiệp về Bộ khi cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty nhà nước; những đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao thì thực hiện theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch. Có lộ trình phù hợp để thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với những khoản đầu tư dở dang nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Quý III/2015 trình phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020
Căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong năm 2015 (trình trong quý I/2015); phương án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DNNN trực thuộc giai đoạn 2016-2020 (trình chậm nhất trong quý III/2015).
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc hạch toán rõ giữa hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công ích trong DNNN; tháo gỡ vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp như hoàn nhập các khoản dự phòng vốn nhà nước, xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiềm năng, tài sản đã hết khấu hao, định giá lại các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần; xác định giá cổ phiếu bán cho người lao động và tổ chức công đoàn đối với những doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần nhưng chưa có điều kiện IPO ngay.
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến 25/12/2014, cả nước đã cổ phần hóa 143 doanh nghiệp (gấp 2 lần năm 2013) trong tổng số 432 DNNN phải cổ phần hóa trong 2 năm 2014- 2015.
Đặc biệt, tiến trình cổ phần hóa đang diễn ra tích cực tại các tập đoàn, tổng công ty lớn như EVN, Vietnamairlines, Viettel, Vinatex, VNPT, Vinachem… Cùng với cổ phần hóa, việc các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng mang lại lợi nhuận cho Nhà nước khi thoái hơn 6.050 tỷ đồng giá trị sổ sách (chiếm 30% tổng số vốn phải thoái và gấp 6 lần năm 2013) thì thu về hơn 8.000 tỷ đồng, tức là bán 1 đồng vốn nhà nước thì thu về được 1,3 đồng. Duy chỉ có việc thoái vốn trong lĩnh vực chứng khoán thì chỉ bằng 98% giá trị sổ sách.
Phan Hiển
Người đăng: T.An