(Chinhphu.vn) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12/2012; bình quân năm 2013, CPI tăng 6,6% so với năm 2012. Đây là mức tăng CPI tương đối thấp trong 10 năm qua.
Ảnh minh họa
Trong tháng 12, có 2/11 nhóm hàng giảm giá trong rổ hàng hóa, đó là giao thông (giảm 023%) và bưu chính viễn thông (giảm 0,01%). Trong khi đó, có 9/11 nhóm hàng tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,31%; nhóm may mặc mũ nón giày dép tăng 0,57%.
Các mặt hàng khác chỉ số giá tăng nhẹ. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (có quyền số lớn nhất) tăng 0,49%.
Chỉ số giá vàng giảm 3,33% và USD tăng 0,05%.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nguyên nhân khiến CPI tháng 12 tăng là do nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao hơn tháng trước; mặt bằng giá thị trường chịu tác động tăng do một số yếu tố như nhu cầu sản xuất, chế biến và dự trữ các loại hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tăng.
Thời điểm mùa lạnh ở miền Bắc khiến giá một số mặt hàng và dịch vụ may mặc, thiết bị đồ dùng sưởi ấm trong nhà cũng tăng. Nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa tăng làm giá một số vật liệu xây dựng và dịch vụ nhà ở tăng.
Từ ngày 1/12/2013, giá gas tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay, mỗi bình gas 12kg tăng 80.000 đồng cũng làm cho chỉ số giá gas tháng này tăng 11,99% so với tháng trước, đóng góp vào chỉ số chung cả nước khoảng 0,2%.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Thắng, năm 2014, chỉ tiêu CPI mà Quốc hội đề ra là 7% có khả năng đạt được nếu chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Huy Thắng