Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 được thực hiện trong điều kiện tình hình kinh tế của cả nước và của tỉnh có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng đang trong giai đoạn phục hồi suy giảm kinh tế nhưng đứng trước nguy cơ lạm phát cao; hiện tượng thời tiết bất thường (mưa trái mùa), hạn hán xảy ra và kéo dài trên khắp địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Tỉnh ủy; sự ủng hộ và giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh; sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của UBND tỉnh và chính quyền các cấp; sự nỗ lực, phấn đấu của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp… kinh tế - xã hội của tỉnh đã dần hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng khá cao, cụ thể các ngành phát triển như sau:
I. Phát triển kinh tế - xã hội các ngành năm 2010:
1. Sản xuất nông - lâm nghiệp:
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2010 ước đạt 4.365 tỷ đồng, tăng 6,1%. Giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tăng chủ yếu là do sản lượng một số cây công nghiệp chủ lực của tỉnh tăng: điều tăng 9,2%, cao su tăng 11,9%, hồ tiêu tăng 2,33%, cà phê tăng 6,8%, ca cao tăng 63,4%.
Tình hình chăn nuôi gặp khó khăn do dịch bệnh heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng. Tính đến ngày 01/10/2010 đàn trâu giảm 0,6%, đàn bò giảm 8,6%, đàn heo tăng 3,1% và gia cầm đang tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm, chú trọng, ước thực hiện trồng mới trong năm 2010 được 1.166 ha rừng, tăng 10% so năm 2009, trong đó rừng phòng hộ 601 ha, rừng sản xuất 425 ha và rừng đặc dụng 20 ha. Công tác tuần tra, kiểm soát việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, trong 10 tháng năm 2010, các đơn vị chức năng lập biên bản 531 vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, làm thiệt hại 375,9 ha rừng tự nhiên, so với cùng kỳ năm 2009 tăng 17 vụ, tuy nhiên diện tích rừng bị thiệt hại giảm 105,46 ha.
2. Sản xuất công nghiệp:
Giá trị sản xuất (giá CĐ 1994) năm 2010 ước thực hiện 4.415,1 tỷ đồng, đạt 102,7% kế hoạch và tăng 21,1% so với năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao chủ yếu là do nhà máy xi măng đi vào hoạt động sản xuất.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: hạt điều nhân 47.000 tấn, tăng 10,2%; linh kiện điện tử 26,8 triệu sản phẩm, tăng 27,4%; điện phát ra 1,02 tỷ kwh, giảm 40,2%; xi măng 300 ngàn tấn, clinker 810 ngàn tấn (2 sản phẩm mới đưa vào sản xuất năm 2010).
Tình hình sản xuất của các nhà máy điện (chủ yếu là Nhà máy thủy điện Thác Mơ) gặp khó khăn do thiếu nước. Ước trong năm 2010 phát triển thêm được 8.467 hộ sử dụng điện, nâng tổng số hộ sử dụng điện lưới quốc gia toàn tỉnh hiện nay lên 196.027 hộ, đạt 87% tổng số hộ toàn tỉnh.
3. Thương mại:
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội thực hiện 12.281,8 tỷ đồng, đạt 98,3% so kế hoạch năm và tăng 30,9% so cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 506,4 triệu USD, bằng 126,6% kế hoạch năm và tăng 42,8%. Trong đó, kinh tế nhà nước tăng 84,5%, khu vực kinh tế tư nhân tăng 32,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,9%.
Nhập khẩu thực hiện 116,2 triệu USD, đạt 105,7% kế hoạch, tăng 11,7%.
Nhìn chung, tình hình xuất, nhập khẩu năm 2010 đạt nhiều kết quả khả quan, tăng cao so với cùng kỳ, giá các mặt hàng chủ lực như hạt điều nhân, mủ cao su đứng ở mức cao, thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng.
4. Về thu hút đầu tư:
11 tháng năm 2010 có 645 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký là 4.922 tỷ đồng. Ước cả năm có 700 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn là 5.200 tỷ đồng. Ước tính đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có 3.022 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký là 19.763 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): 11 tháng thu hút được 10 dự án với tổng vốn đăng ký là 133,6 triệu USD. Ước cả năm có 11 dự án với tổng vốn đăng ký là 151,2 triệu USD, luỹ kế đến 31/12/2010 toàn tỉnh có 80 dự án với tổng vốn đăng ký là 644,73 triệu USD.
5. Tài chính:
Tình hình thu ngân sách có nhiều thuận lợi do kinh tế của tỉnh đã dần phục hồi và giữ mức tăng trưởng khá, giá bán một số mặt hàng nông sản ổn định ở mức cao, đặc biệt Nhà máy xi măng Bình Phước đi vào hoạt động, phát sinh các khoản thuế đã góp phần tăng thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 2.062 tỷ đồng, đạt 105,2% dự toán điều chỉnh và tăng 26,4% so với năm 2009.
Tổng chi ngân sách địa phương 3.343 tỷ đồng, tăng 2% so với kế hoạch và tăng 9,9% so với năm 2009. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản 992 tỷ 245 triệu đồng, đạt 95% kế hoạch, chi chương trình mục tiêu 88 tỷ 83 triệu đồng, đạt 75%, chi thường xuyên 1.995 tỷ đồng, tăng 12% so với kế hoạch.
6. Khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội:
- Khoa học và công nghệ:Công tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công trình khoa học ngày càng sát thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; dịch vụ khoa học kỹ thuật tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả như xây dựng các hệ thống xử lý nước uống tinh khiết, hệ thống xử lý nước ở hộ gia đình, thiết kế xây dựng hầm biogas theo hướng thu hồi năng lượng, dịch vụ cung cấp các giống cây trồng, hoa cảnh... .
- Giáo dục và Đào tạo: kết thúc năm học 2009-2010, tỷ lệ học sinh tiểu học đạt loại giỏi, khá là 62,7% tăng 24,2%; trung học cơ sở đạt 38,5%, tăng 6,1%; trung học phổ thông đạt 27,1%, tăng 7,33% so với năm học trước. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2009-2010 tỷ lệ tốt nghiệp đạt 92,04%; đối với giáo dục thường xuyên, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 51,48% (469/911 học sinh). Tính chung tỷ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 87,67%.
Năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 440 trường, tăng 29 trường so năm học trước; tổng số học sinh đến lớp là 210.022 học sinh, tăng 6.325 học sinh so với năm học trước. Tỷ lệ trẻ đến trường so trẻ trong độ tuổi đối với nhà trẻ đạt 9,23%, mẫu giáo đạt 72%; tỷ lệ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 89,14%.
- Y tế:ngành y tếđã cơ bản đảm bảo công tác khám, điều trị, chữa bệnh, cấp cứu người bệnh, chất lượng khám, chữa bệnh có tiến bộ. Ước trong năm 2010 khám, chữa bệnh cho 1,23 triệu lượt bệnh nhân, trong đó bệnh nhân điều trị nội trú là 69 ngàn lượt; thực hiện tốt quy chế thường trực cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, khám chữa bệnh cho các đối tượng có bảo hiểm y tế, người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ước tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 20,0%, tỷ lệ Trạm y tế xã có bác sỹ đạt 53%, số bác sỹ/vạn dân đạt 5,7 bác sỹ, số giường bệnh/vạn dân đạt 20 giường.
- Đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Đã tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm và các ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động với 42 doanh nghiệp và hơn 22.000 người lao động tham gia. Ước đến cuối năm giải quyết việc làm cho 27.000 lao động, đạt 100% kế hoạch. Đã giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.057 lao động trong tổng số 1.334 người đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp; đã tổ chức được 280 lớp, đào tạo nghề cho 8.200 lao động, đạt 186,3% so với kế hoạch năm. .
- Công tác giảm nghèo: Bằng những hành động thiết thực trong công tác xoá đói giảm nghèo của các cấp, các ngành như triển khai các mô hình giảm nghèo, kế hoạch dạy nghề cho hộ nghèo và kế hoạch tuyên truyền công tác giảm nghèo năm 2010… nên công tác giảm nghèo trong năm đã đạt được những kết quả nhất định. Dự kiến đến cuối năm 2010 toàn tỉnh giảm được 2.867 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,51%.
- Hoạt động thể dục, thể thao diễn ra phong phú, đa dạng, triển khai phát động phong trào thể dục, thể thao sâu rộng đến tận cơ sở, ban, ngành, trường học. Số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 19%. Ngoài ra, trong năm 2010, tỉnh đã tổ chức thành công một số giải thể thao thành tích cao với sự tham gia các tỉnh trong nước và 02 nước Lào và Campuchia.
- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chỉ đạo triển khai và thực hiện sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh. Chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được gắn liền với việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng gia đình, ấp, xã, phường, thị trấn văn hóa.
7. Cải cách thủ tục hành chính: Thực hiện hoàn thành giai đoạn II của Đề án 30 với kết quả kiến nghị đơn giản 1.490/1.864 các quy định về thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 74,94%. Hiện tỉnh đang triển khai giai đoạn III của Đề án - giai đoạn thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.
8. Quốc phòng - an ninh trên toàn tuyến biên giới được giữ vững, trật tự xã hội luôn được đảm bảo
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng khá. Sản xuất nông nghiệp mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch đề ra, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, các doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới có số vốn đăng ký tăng cao; kim ngạch xuất khẩu so kế hoạch và so cùng kỳ tăng cao; thu ngân sách đảm bảo kế hoạch đề ra; công tác điều hành đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung thực hiện; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên; hoạt động văn hoá - thể thao đáp ứng như cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Kết quả thể hiện trên các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP, giá SS 1994) tăng 13%, trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 6,7%;; công nghiệp - xây dựng tăng 20,8%; dịch vụ tăng 17,6%.
- GDP bình quân đầu người ước đạt 1.028
- Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 506,4 triệu USD, đạt 126,6% kế hoạch năm, tăng 42,8% .
- Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 116,2 triệu USD, đạt 105,7% kế hoạch năm, tăng 11,7%
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 12.281,8 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch năm và tăng 30,9% .
- Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 2.062 tỷ đồng, bằng 105,2% dự toán HĐND giao, tăng 26,4%.
- Tổng chi ngân sách nhà nước ước thực hiện 3.343 tỷ đồng, bằng 102,3% dự toán HĐND giao, tăng 10,5% .
- Quy mô dân số đạt 894.940 người, tỷ lệ giảm sinh duy trì ở mức 0,7%o.
- Số xã đạt phổ cập THCS là 97,3%, số xã đạt chuẩn phổ cập THCS ước đạt 91% (101 xã/111 xã).
- Giải quyết việc làm cho 27.000 lao động, đạt 100% kế hoạch.
- Tỷ lệ lao động được đào tạo 28%.
- Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị 3,5%.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,51% .
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 20,0% .
- Tỷ lệ Trạm y tế xã có bác sỹ đạt 53% .
- Số bác sỹ / vạn dân đạt 5,7 bác sỹ
- Số giường bệnh / vạn dân đạt 20 giường
- Tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh 84,1%
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện 87%
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế như thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng nhiều đến trồng trọt; tình hình dịch bệnh heo tai xanh vẫn còn diễn biến phức tạp; một số hạn chế, tồn tại tuy không mới nhưng chậm được khắc phục, đó là: công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều yếu kém do tinh thần trách nhiệm của các chủ rừng chưa cao; tiến độ thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm; tình trạng khiếu kiện đông người, chủ yếu là khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép vẫn còn xảy ra; tai nạn giao thông chưa được kiềm chế.... đòi hỏi phải nỗ lực hơn trong năm 2011.
II. NHIỆM VỤ NĂM 2011:
1. Bối cảnh bước vào thực hiện kế hoạch năm 2011:
Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Kế hoạch năm 2011 được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế của tỉnh và cả nước đang có xu hướng phục hồi khá nhanh trên tất cả các ngành, lĩnh vực; kinh tế phát triển tương đối ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; thị trường trong nước có dấu hiệu khởi sắc; thị trường hàng hóa đã bước đầu khôi phục lại được đà tăng trưởng; hoạt động thương mại, dịch vụ có nhiều cơ hội để phát triển thị trường mới, kể cả thị trường trong nước lẫn thị trường ngoài nước. Bên cạnh đó còn có sự quan tâm chỉ đạo, điều hành kiên quyết và linh hoạt của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo năng động, sáng tạo và sâu sát của BCH Đảng bộ tỉnh; sự điều hành kiên quyết, hiệu quả của chính quyền các cấp; sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm của Mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đây là những điều kiện rất quan trọng để tạo ra xu thế phát triển mới, tạo đà tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2011 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như đã đề cập ở trên, trong năm 2011 nền kinh tế nước ta nói chung và của tỉnh nói riêng cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức: lãi suất ngân hàng cao; sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp; cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm, ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản vẫn chiếm tỷ trọng cao và có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng kinh tế nhưng luôn phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết, giá cả và thị trường tiêu thụ nông sản; ngành công nghiệp chưa phát triển mạnh do điều kiện thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp vẫn chưa cải thiện; kết cấu hạ tầng mặc dù đã có sự tập trung đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước năm 2011 không tăng nhiều so với năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của vùng và của cả nước…
2. Mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu
a) Mục tiêu tổng quát:Tăng trưởng với tốc độ cao đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; hoàn thành mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
b) Nhiệm vụ:
- Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án để thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.
- Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư phát triển.
- Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp được quy hoạch. Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao, các sản phẩm đã qua chế biến; phát triển các thị trường thương mại, dịch vụ có tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hiện hành để khuyến khích tiêu dùng nội địa.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, kỹ thuật hiện đại và công nghệ mới vào sản xuất. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; triển khai và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh, sinh viên. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tiến tới để mọi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động tốt hơn các nguồn lực xã hội cho giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao.
- Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo, tạo việc làm. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Sử dụng hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên, khoáng sản, môi trường để đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; có kế hoạch để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về môi trường, giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các tổ chức, cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản nhà nước.
- Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin, tuyên truyền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo xây dựng nền quốc phòng – an ninh vững mạnh; bảo vệ vững chắc tuyến biên giới, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
c) Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2011
àCác chỉ tiêu kinh tế
- Tổng sản phẩm (GDP) tăng 13-13,5%
Trong đó : Khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng khoảng 6-6,5%
Khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 22-23%
Khu vực dịch vụ tăng 16-17%
- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 21 triệu đồng
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 550 triệu USD
- Kim ngạch nhập khẩu đạt 140 triệu USD
- Tổng thu ngân sách đạt 2.400 tỷ đồng.
- Tổng chi ngân sách là 3.428 tỷ đồng
à Các chỉ tiêu xã hội, môi trường:
- Tỷ lệ giảm sinh duy trì ở mức 0,7%o
- Tỷ lệ xã đạt phổ cập THCS đạt 100%
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm trong năm là 1,3%
- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 19%
- Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 55%
- Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 21 giường.
- Số bác sỹ/vạn dân là 6 bác sỹ
- Giải quyết việc làm cho 28.000 lao động
- Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 30,0%
- Tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 3,5%
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện 88%
- Tỷ lệ dân số được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 85%.
3. Các giải pháp chủ yếu
a) Về nông nghiệp, nông thôn:
- Triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là xây dựng quy hoạch các xã nông thôn mới, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, cấp nước sạch.
- Tiếp tục nâng cao năng suất cây trồng (cao su, điều, tiêu…) trên cơ sở sử dụng các giống mới năng suất cao, có khả năng kháng bệnh. Thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản như các chính sách hỗ trợ cho cây điều, chính sách về đất đai, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật… Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi tập trung như trang trại, nuôi công nghiệp, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tăng cường công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng kinh tế; quản lý chặt chẽ rừng đặc dụng; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
- Tiếp tục đầu tư hạ tầng nông thôn, các công trình thủy lợi nhỏ theo hướng đa mục tiêu trên cơ sở vừa nâng cao năng lực tưới tiêu, kết hợp nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt… Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án di dân ra khỏi rừng phòng hộ, đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất đối với diện tích đất tách ra khỏi lâm phần.
b) Công nghiệp:
- Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế; tiếp tục rà soát, thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ cam kết. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tiếp tục quảng bá, xúc tiến đầu tư, điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư.
- Hỗ trợ các dự án sản xuất xi măng để sớm đưa ngành sản xuất sản phẩm này thành ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn của địa phương.
- Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất hàng xuất khẩu, các ngành công nghiệp có tiềm năng như linh kiện điện tử, các sản phẩm chế biến từ cao su…. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất.
c) Về dịch vụ:
- Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh. Mở rộng mạng lưới dịch vụ trong các khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ đầu mối huyện, xã nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất, kinh doanh. Khai thác tốt thị trường nội địa.
- Tiếp tục đầu tư phát triển khu du lịch Bà Rá - Thác Mơ, hoàn thành quy hoạch khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái Bộ Chỉ huy Miền… Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư dự án phim trường ngoài trời kết hợp với du lịch sinh thái tại trảng cỏ Bàu Lạch. Hình thành và phát triển tuyến du lịch quốc tế Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan.
- Tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án Trung tâm thương mại và dân cư trên địa bàn tỉnh để từng bước phát triển thị trường bất động sản. Thực hiện hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư làm cơ sở cho việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư.
d) Xuất, nhập khẩu:
- Tích cực, chủ động mở rộng thị trường, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác; tận dụng mọi khả năng để tăng mức xuất khẩu trên các thị trường đã có, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, chú trọng xuất khẩu vào các thị trường có sức mua lớn. Tiếp tục phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới như sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, may mặc, giày da... và các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến thành phẩm.
- Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại bằng cách đổi mới cách thức tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng khâu tổ chức, cung cấp thông tin thị trường; nâng cao năng lực chuyên môn của đơn vị thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại; tập trung xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm.
đ) Về thu, chi ngân sách:
Đẩy mạnh nguồn thu ngân sách một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững. Phấn đấu thu ngân sách năm 2011 đạt 2.400 tỷ đồng, trong đó thu chủ yếu là thu nội địa. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2011 là 3.428 tỷ đồng.
e) Về phát triển doanh nghiệp:
Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Thực hiện tốt đăng ký kinh doanh qua mạng, thiết lập tốt cơ sở dữ liệu thông tin chung về doanh nghiệp.
h) Đầu tư phát triển:
Tiếp tục chấn chỉnh và khắc phục những yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó tiếp tục thực hiện đầu tư theo hướng tập trung, chọn nhà thầu có đủ năng lực và thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.
Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm huy động vốn của các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội có tổng mức đầu tư lớn theo hình thức BOT, BT, BOO. Nghiên cứu triển khai thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức công - tư hợp doanh (PPP).
Tập trung đầu tư hoàn thành đúng tiến độ các dự án, công trình hoàn thành trong năm 2011, các dự án nâng cấp mở rộng bệnh viện tuyến huyện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án BOT QL 13, QL 14; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thành thủ tục đầu tư đường Đồng Phú - Bình Dương theo hình thức BT, triển khai dự án nâng cấp đường Bù Na - Phước Bình - Bù Đốp, đường Sao Bộng - Đăng Hà; triển khai thực hiện dự án mở rộng Bệnh viện đa khoa tỉnh lên 600 giường và dự án xây dựng Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu Trung tâm hành chính 2 huyện Hớn Quản và Bù Gia Mập. Đồng thời chú trọng đầu tư cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm và các lĩnh vực văn hóa, xã hội khác. Có kế hoạch bố trí lồng ghép các dự án cho các xã, đối tượng triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới từ các nguồn vốn.
h) Lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, xã hội
- Khoa học công nghệ: tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh công tác ứng dụng và chuyển giao một số chế phẩm sinh học vào sản xuất, chăn nuôi. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và công nghệ mới.
- Giáo dục và đào tạo:
Nâng cao hiệu quả, chất lượng và quy mô công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực làm khoa học - công nghệ trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật. Triển khai thực hiện đề án quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2011-2020.
Tiếp tục chú trọng công tác đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp, đồ dùng, trang thiết bị dạy và học; thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; bảo đảm đủ phòng học cho mẫu giáo 5 tuổi, cho giáo dục tiểu học 2 buổi/ngày theo chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) giai đoạn 2011-2015.
- Công tác dân số, y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân: hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh xuống cơ sở, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Xây dựng hoàn thành Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện.
- Giải quyết việc làm: xây dựng và triển khai thực hiện đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015; tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về lao động, việc làm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.
-
Xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội: xây dựng và triển khai thực hiện đề án giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; t
ổ chức thực hiện tốt các chính sách, đề án, dự án được thụ hưởng theo chính sách như Tây Nguyên.
Thực hiện các chính sách tín dụng, hỗ trợ y tế cho người nghèo, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; thực hiện tốt trợ giúp xã hội và an sinh xã hội, giảm tối đa hiện tượng tái nghèo.
- Phát triển văn hóa, thể dục thể thao, thông tin và truyền thông
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục - thể thao để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, trong đó tập trung xây dựng đời sống, lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh trong cơ quan, nơi công cộng, cộng đồng dân cư, gia đình và mỗi cá nhân.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa, thể dục - thể thao trong nhân dân, đặc biệt chú ý vùng nông thôn. Xây dựng và nâng cấp các cơ sở văn hoá, thể thao với quy mô hợp lý. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa đầu tư phát triển các hoạt động văn hoá thông tin, thể dục, thể thao.
- Môi trường và phát triển bền vững:
Sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường, các dự án sản xuất phải đảm bảo thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định mới được phép triển khai. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, kế hoạch hành động quốc gia về sức khoẻ môi trường đến năm 2015.
i) Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội:
Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chú trọng chương trình mục tiêu 5 giảm, quan tâm đặc biệt và tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị với các tỉnh Campuchia, xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Tiếp tục thực hiện phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia theo kế hoạch./.
P.K.O.