• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
TPP sẽ đẩy thêm nhiều FDI vào Việt Nam 

Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng khi TPP có hiệu lực, đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP dễ dàng hơn.

 
Đây là khẳng định của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về kết thúc đàm phán TPP do Bộ Công Thương tổ chức vào chiều ngày 9/10, tại Hà Nội.
IMG
TPP có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026
Ảnh: Tất Tiên
 
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, là hiệp định quan trong nhất từ năm 1994, TPP được xem là hiệp định thế kỷ khi tạo nên những tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu. TPP cho phép tiếp cận các thị trường một cách toàn diện, với việc cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, thúc đẩy mở cửa thị trường trong nước, tăng tính cạnh tranh, tăng vai trò doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm các nền kinh tế ở mọi cấp độ đều được hưởng lợi.
 
Thông tin về các cam kết về dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh cho biết, về cơ bản các cam kết này tương đương với mức độ mở cửa hiện hành. Theo đó, trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư, nghĩa vụ chính của các nước tham gia TPP là không phân biệt đối xử, bao gồm: không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau và không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư – cung cấp dịch vụ trong nước với nhà đầu tư – cung cấp dịch vụ nước ngoài. “Điều này có nghĩa Việt Nam cho phép nhà đầu tư trong nước được hoạt động kinh doanh như thế nào, với các điều kiện ra sao thì cũng phải áp dụng như thế cho các nhà đầu tư từ các nước TPP”, ông Trần Quốc Khánh lý giải.
 
Trong Chương Mua sắm chính phủ, các nước TPP thống nhất đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu mua sắm của các cơ quan chính phủ. Các quy tắc này không áp dụng đối với các gói thầu vì mục đích an ninh, quốc phòng, các gói thầu có giá trị dưới một mức nhất định và các trường hợp khác mà Việt Nam bảo lưu trong đàm phán. Quy tắc chủ yếu của Chương Mua sắm chính phủ bao gồm: về cơ bản sẽ sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước TPP; không áp dụng các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên đối với nhà thầu cũng như hàng hóa và dịch vụ trong nước, trừ các trường hợp được bảo lưu; minh bạch thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu; có quy trình để đảm bảo liêm chính trong quá trình đấu thầu và xây dựng quy trình xem xét khiếu nại của nhà thầu. TPP không mở cửa thị trường mua sắm của chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố) và cũng không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm phục vụ an ninh, quốc phòng. Theo đánh giá, kết quả đàm phán mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực mua sắm của các cơ quan chính phủ là cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.
 
Theo ông Trần Quốc Khánh, với mục tiêu thu hút mạnh đầu tư vào khu vực TPP (chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu), các nước đặt ra kỳ vọng rất cao cho lĩnh vực dịch vụ - đầu tư. Với Việt Nam, theo tính toán của những chuyên gia độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026. “Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP”, ông Khánh nhận định.
 
Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng mua sắm công, các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang hàng năm là khoảng 10 - 12 tỷ USD. Đây là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
 
Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, để thực thi các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... “Tuy nhiên, như kinh nghiệm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, Việt Nam có thể thực hiện thành công những nội dung này, nhất là khi được quyền thực hiện theo lộ trình”, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho hay.
 
Trước đó, trả lời báo chí ngay khi Đoàn đàm phán TPP của Việt Nam trở về nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá: “Có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của TPP, nhất là các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và những dự án rất cần thiết với Việt Nam nhưng chưa nhận sự quan tâm nhiều của doanh nghiệp nước ngoài”.
 
 
Trần Tuyết
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)