(Chinhphu.vn) - Rà soát loại bỏ các ngành, nghề không cần cấm; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính...
Ảnh minh họa
Đây là những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc rà soát, xây dựng các Dạnh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư tại dự án Luật đầu tư (sửa đổi).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đối với Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, rà soát lại quy định hiện hành theo hướng loại bỏ các ngành, nghề không cần cấm; bảo đảm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng các ngành nghề cần cấm.
Mở rộng quyền tự do kinh doanh
Về Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chủ động rà soát, đánh giá lại các yêu cầu quản lý, hoàn thiện Danh mục này theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu hội nhập về đầu tư, thương mại quốc tế; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Thủ tướng yêu cầu chỉ bổ sung các quy định nhất thiết phải quản lý, sát với thực tiễn quản lý, bảo đảm căn cứ rõ ràng, thuyết phục; quy định việc công bố công khai danh mục, tăng cường trách nhiệm hậu kiểm; bảo đảm quy định có tính dự báo để giải quyết các vấn đề phát sinh trên thực tế.
Chính phủ sẽ định kỳ tập hợp, rà soát, công bố Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để thống nhất áp dụng.
Gắn ưu đãi nghề với địa bàn
Về Danh mục ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng Danh mục này theo hướng đánh giá, tổng kết, kế thừa các quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm thu hút các dự án đầu tư, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn, nhằm phát huy có hiệu quả các ngành, lĩnh vực, địa bàn có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp với các Bộ rà soát, hoàn thiện Danh mục này theo hướng ưu đãi theo ngành, nghề, địa bàn có trọng tâm, trọng điểm; gắn ưu đãi theo ngành, nghề với địa bàn phù hợp để phát huy các điều kiện, lợi thế của địa bàn đó; không áp dụng ưu đãi đầu tư theo địa bàn đối với các dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên, dự án đầu tư, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; quy định cụ thể, tiêu chí xác định các ngành nghề ưu đãi đầu tư bảo đảm khả thi.
Đồng thời, căn cứ vào nguyên tắc quy định tại Luật đầu tư và các Luật chuyên ngành, Chính phủ quy định chi tiết Danh mục ngành, nghề, địa bàn, mức ưu đãi đầu tư cụ thể để bảo đảm linh hoạt trong ban hành chính sách ưu đãi của Chính phủ phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tiễn phát sinh.
Các Bộ liên quan phải hoàn thiện các Danh mục ngành nghề trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc chỉnh lý, bổ sung các quy định này vào dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2014.
Việc rà soát, xây dựng và hoàn thiện các Danh mục trên để quy định chi tiết dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) là nhiệm vụ quan trọng nhằm thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh.
Đây là một bước tiến mới về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy quyền tự do kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tạo thuận lợi, minh bạch, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng quy định cụ thể, công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Phương Nhi
Người đăng: T.An