Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội thảo "Nhìn lại nửa chặng đường
phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược”. Ảnh VGP/Lê Sơn
Tham gia Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; lãnh đạo các ban, bộ, ngành và các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hội thảo này rất có ý nghĩa trong việc chúng ta đang chuẩn bị tổng kết 30 năm đổi mới và bối cảnh nước ta đã đi được hơn nữa chặng đường của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015.
Tuy nhiên, thực tế hơn 2 năm qua, tình hình thế giới diễn biến khá phức tạp đã tác động tiêu cực, trực tiếp hoặc gián tiếp, đối với kinh tế nước ta. Trong nước, những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế được tích tụ từ nhiều năm cùng với những mặt trái của gói kích thích kinh tế đã cộng hưởng tạo ra hiệu ứng lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô kéo dài hơn dự kiến, thị trường bất động sản suy giảm mạnh, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, dừng hoạt động, thị trường thu hẹp, hàng tồn kho lớn.
Theo Phó Thủ tướng, những nhân tố trên đã làm suy giảm tăng trưởng, suy yếu sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp cũng như của toàn bộ nền kinh tế và trực tiếp tạo ra nguy cơ bất ổn xã hội.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các cấp, các ngành đã thực hiện nhiều biện pháp, cả cấp bách tình thế, cả dài hạn, để ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Đến nay, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ nhập siêu thấp, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng trưởng đáng kể. Nền kinh tế đang dần phục hồi đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, kết quả ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đòi hỏi những nền tảng vững chắc hơn, các cân đối lớn chưa bền vững, nợ xấu còn cao, việc sắp xếp lại hoạt động và nâng cao hiệu quả của nhiều tổ chức tín dụng còn chậm, lãi suất đã giảm nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm so với các nước trong khu vực, kết quả triển khai 3 đột phá chiến lược chậm, hiệu quả của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn hạn chế.
Nhận thức sâu sắc những khó khăn của nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhằm xây dựng một nền kinh tế năng động, hiện đại và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Do đó, việc lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà khoa học với những hình thức thảo luận cởi mở như hội thảo này là rất quan trọng và cần thiết để nhận diện đúng những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, đề xuất những điều chỉnh mang tính chiến lược cho nửa sau của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng nêu ra một số vấn đề lớn có tính chất gợi mở để các nhà khoa học tham gia thảo luận.
Một là, tại sao nền kinh tế của ta ra khỏi khủng hoảng chậm hơn các nước trong khu vực? Những điểm nào trong mô hình kinh tế của chúng ta tỏ ra không phù hợp với môi trường kinh tế quốc tế hiện nay? Điều gì đã khiến chúng ta giảm sức cạnh tranh và liệu những biện pháp giúp phục hồi kinh tế đã bám sát thực tiễn, phù hợp với điều kiện hiện thời của đất nước hay chưa?
Hailà, liệu có cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, hệ thống khuyến khích mới để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động, hiện đại, có khả năng cạnh tranh quốc tế, hay chúng ta vẫn giữ nguyên như hiện nay và chỉ cần điều chỉnh một vài chỗ?
Ba là, cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay và những khó khăn kinh tế trong nước lúc này có đòi hỏi sự dịch chuyển mạnh mẽ về chính sách ngành hay không? Nếu có thì đến mức nào? Như xem xét những ngành nào đã chống chọi tốt nhất với những khó khăn vừa qua, những ngành nào đã bị ảnh hưởng tiêu cực nhất để giúp chúng ta rút ra những tầm nhìn mới về lựa chọn những ngành Việt Nam chúng ta có lợi thế cạnh tranh thực sự.
Bốn là, đánh giá thực hiện 3 đột phá chiến lược; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Trung ương 3. Chỉ ra những hạn chế, yếu kém và những nguyên nhân chủ quan, khách quan, đặc biệt là những vấn đề mang tính cấu trúc, cùng với những bất cập về thể chế, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; về nguồn nhân lực... Đâu là 3 giải pháp có hiệu lực đột phá nhất giúp nền kinh tế trỗi dậy từ hiện trạng khó khăn hiện nay?
Năm là, cần xem xét, thảo luận một số vấn đề lớn như kinh nghiệm phân cấp kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã cho chúng ta thấy những bài học gì, mức độ phù hợp đến đâu? Phương thức và liều lượng phân cấp ở khâu nào còn yếu? Phải chăng có khâu nào phân cấp quá mức để dẫn đến những hệ lụy trong quản lý quá trình phát triển hay không? Vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa và duy trì ổn định xã hội? Mô hình nông thôn mới đã có hiệu quả trên thực tế như thế nào, đâu là những điểm lớn cần lưu ý, và mô hình này đã gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp như thế nào? Quy mô kinh tế Nhà nước, nhất là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, cần thiết đến mức nào, duy trì đến đâu?
|
Hội thảo "Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và
những điều chỉnh chiến lược” đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Ảnh VGP/Lê Sơn
|
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chỉ ra rằng, với những khó khăn, thách thức đan xen, nền kinh tế nước ta đang phải ứng phó với nhiều vấn đề cần giải quyết như không ít vấn đề lớn và yếu kém của nền kinh tế tồn tại từ nhiều năm, đến nay dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nên đã bộc lộ rõ hơn. Kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng chưa thật bền vững, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Đại hội XI đề ra dự kiến không đạt kế hoạch, nguy cơ dẫn đến việc tụt hậu ngày càng xa của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực. Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vậy những vấn đề gì nổi lên cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo hoặc điều chỉnh cần thiết nếu có về mục tiêu tổng quát cho năm 2014-2015. Các biện pháp gì với chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư toàn xã hội trong khoảng 31-32% GDP trong 2 năm tới và các đột phá chiến lược để đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng.
GS. Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, và nhóm nghiên cứu cho rằng, nhìn lại quãng thời gian trên dễ nhận thấy tăng trưởng kinh tế 3 năm qua chậm với thời gian dài nhất từ khi đổi mới đến nay, nhiều chỉ tiêu luôn ở mức tiệm cận mục tiêu điều hành. Điều này đang nói lên nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế.
Cụ thể như chỉ tiêu về lạm phát được điều chỉnh nhiều lần trong những năm qua với mức lạm phát tăng cao và biến động hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Chỉ tiêu vốn đầu tư xã hội giảm mạnh. Các chỉ tiêu về ngân sách cho thấy thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao trong khi chi ngân sách cao và chưa được hạch toán đầy đủ vì do tổng chi cao, chứ không phải tổng thu thấp. Bên cạnh đó, nợ công tăng nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ khối doanh nghiệp Nhà nước.
Trên cơ sở đó, GS. Đạt kiến nghị cần điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh tế 5 năm thật sự hợp lý hơn. Tiến hành giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp với lộ trình cụ thể; giảm chi tiêu công để giảm bội chi ngân sách xuống mức 3% thay vì 5% như hiện nay; tăng cường cạnh tranh để các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia một cách minh bạch vào các hoạt động của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài; kiên trì các giải pháp trọng cung và đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế… Điều này sẽ góp phần sẽ quyết định khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 và xa hơn nữa.
Lê Sơn