Bằng những hành động cụ thể, đến nay chính quyền điện tử Bình Phước đang từng bước hoàn thiện, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Bình Phước cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh với việc đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 3 IOC cấp huyện
Dịch chuyển từ môi trường vật chất lên không gian mạng
Với mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, ngày 12/9/2018, Tỉnh uỷ Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TU về xây dựng chính quyền điện tử.
Qua 3 năm (2018-2021) triển khai với tinh thần quyết liệt, chính quyền điện tử của tỉnh đã có những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, có một số lĩnh vực vươn lên đứng đầu cả nước như: Kết nối 1.451 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia với 945 dịch vụ công đạt mức độ 4; chứng thực điện tử cấp bản sao từ bản chính đạt 23.438 hồ sơ, thanh toán trực tuyến đạt 20.599 giao dịch với giá trị hơn 137 tỷ đồng.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của tỉnh đã liên thông ngang dọc 4 cấp hành chính (gồm trung ương - tỉnh - huyện - xã). Hiện tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước dưới dạng điện tử đạt trên 95% thông qua việc ứng dụng chữ ký số. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, phòng họp không giấy được triển khai từ cấp tỉnh tới cấp xã đạt 100% các đơn vị có hệ thống. Việc đổi mới phương thức quản lý, điều hành thông qua hệ thống thông tin họp và xử lý công việc trực tuyến đã thành nền nếp, mang lại hiệu quả tốt.
Bình Phước cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh. Tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 3 IOC cấp huyện (Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long)... Đây là nội dung quan trọng để tỉnh triển khai ứng dụng mạnh mẽ cuộc CMCN 4.0 với những công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tốt cho quá trình phát triển đô thị, địa phương và nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, đồng thời giúp lãnh đạo tỉnh thuận tiện trong việc giám sát, chỉ đạo, điều hành.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước cơ bản đã hình thành mô hình chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Các ứng dụng quản lý, chỉ đạo điều hành hệ thống chính quyền điện tử đảm bảo thông suốt, đạt hiệu quả tích cực về mọi mặt. Các dịch vụ công hướng đến người dân và doanh nghiệp được chú trọng phát triển và ngày càng dễ sử dụng. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng được công khai, minh bạch, nhanh chóng.
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước cho biết, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh là việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, mang tính đổi mới căn bản mọi hoạt động. Do đó, cần sự quyết tâm cao của người đứng đầu, lãnh đạo các cấp và sự đồng thuận của nhân dân dựa trên nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Để tiếp tục thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2026, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong đó, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, trên môi trường số và dữ liệu số. Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp cơ bản diễn ra trên không gian mạng.
Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật như: triển khai hệ thống mạng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G trên toàn tỉnh, Bình Phước sẽ xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, ưu tiên các cơ sở dữ liệu nền tảng phát triển chính quyền số; Hoàn thiện việc xây dựng, kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia….
Tỉnh Bình Phước cũng tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ CNTT và xu hướng chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách CNTT trong toàn tỉnh; Đào tạo “công chức, viên chức điện tử”, “công dân điện tử” để triển khai chương trình chuyển đổi số.
Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu ổn định, lâu dài… phấn đấu đến năm 2026, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong đó, các giao tiếp giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp cơ bản diễn ra trên không gian mạng, trên môi trường số và dữ liệu số.
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
Người đăng: BQV