• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Cân bằng lợi ích và vẫn khuyến khích tư nhân tham gia dự án PPP 

Thực tế trong nhiều dự án hạ tầng đã thực hiện có sự tham gia của tư nhân, nhà đầu tư tư nhân đã lợi dụng kẽ hở chính sách để thu về lợi ích lớn thái quá, và người chịu thua thiệt cuối cùng chính là người sử dụng công trình, dịch vụ. Theo kinh nghiệm quốc tế, một dự án hợp tác giữa nhà nước và tư nhân rất cần đạt được sự cân bằng về lợi ích, và một cơ chế minh bạch, cạnh tranh sẽ giảm thiểu những dự án mà cán cân lợi ích quá thiên lệch về nhà đầu tư tư nhân.

Những hợp đồng bất cân bằng  lợi ích
Trong thời gian qua, việc nhà đầu tư tư nhân lập đề xuất dự án đã phổ biến tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do chưa có quy định cụ thể về tiêu chí xem xét dự án được lựa chọn vào danh mục dự án, nên việc phê duyệt các đề xuất dự án này trong thời gian qua còn chưa thực sự hiệu quả, dễ để nhà đầu tư tận dụng sự lỏng lẻo của pháp luật để thu lợi ích lớn thái quá. Trong nhiều trường hợp, dự án do nhà đầu tư lập và tự phê duyệt sai lệch quá lớn so với thực tế. Quy mô và tổng mức mức đầu tư trong giai đoạn lập đề xuất dự án chỉ bằng 50% đến 60% quy mô và tổng mức đầu tư thực tế sẽ phải thực hiện. Việc này nhằm mục đích để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền dễ dàng thông qua đề xuất dự án do nhà đầu tư đưa ra. Nhưng ngược lại, tại bước lập dự án đầu tư cơ sở để xác định giá trị hợp đồng dự án, nhà đầu tư lại đưa tổng mức đầu tư gấp 1,5 đến 2 lần so với tổng mức đầu tư thực tế sẽ phải thực hiện.  
 
IMG
Dự án hợp tác giữa nhà nước và tư nhân cần phải đạt được sự cân bằng về lợi ích
 Ảnh: Lê Tiên
 
Bên cạnh đó, tình trạng các Bộ, ngành, địa phương không thực hiện nghiêm túc việc công bố danh mục dự án đã dẫn đến các đề xuất dự án của nhà đầu tư sau khi được phê duyệt không thể thực hiện được thủ tục bổ sung dự án vào danh mục, công bố dự án và lựa chọn cạnh tranh trong trường hợp có nhà đầu tư khác quan tâm. Do vậy, các nhà đầu tư khi đề xuất dự án hầu như đã nắm chắc khả năng được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc chỉ định nhà đầu tư trong một số trường hợp đã dẫn đến hậu quả tiêu cực, do nhiều nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, nguồn vốn thực hiện dự án dựa hoàn toàn vào vốn vay thương mại với lãi suất cao. 
 
Phóng viên Báo Đấu thầu đã từng khảo sát một dự án mà nhà đầu tư có thể được hưởng lợi rất lớn nếu không có sự thay đổi hợp đồng sau khi báo chí vào cuộc. Đó là dự án Xây dựng đường tránh TP. Thanh Hóa thực hiện đầu tư theo hình thức BOT. Dự án này do Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa đầu tư xây dựng, hoàn vốn bằng nguồn thu phí qua Trạm thu phí Tào Xuyên đặt trên quốc lộ 1A. Công ty này bắt đầu được thu phí từ ngày 1/9/2009, với mức phí cao gấp đôi biểu mức thu phí đường bộ đầu tư từ vốn ngân sách, sau khi đầu tư tuyến đường tránh TP. Thanh Hóa với chiều dài khoảng 10 km, tổng mức đầu tư 822 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư là 20 năm.
 
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu trong 4 ngày đêm tại Trạm thu phí Tào Xuyên vào những ngày mới ra Tết năm 2010, trung bình một ngày/đêm lưu lượng xe vào khoảng 12.000 lượt, trong đó, khoảng trên 500 xe có tải trọng lớn… Dựa trên biểu phí của Trạm này khi đó, có thể ước tính mỗi ngày/đêm thu được khoảng 400 - 500 triệu đồng, 1 năm là 150 tỷ đồng, 20 năm là 3.000 tỷ đồng. Trừ đi các khoản nhà đầu tư phải chi trả để duy trì trạm, bảo trì,… thì rõ ràng công ty này không cần đến 20 năm để hoàn vốn, mà có thể rút ngắn hơn rất nhiều. Sau phản ánh của báo chí, cơ quan chức năng đã yêu cầu dịch chuyển vị trí Trạm đến địa điểm khác.
 
Để cán cân lợi ích không thiên lệch
Kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi thực hiện dự án giao thông hợp tác với doanh nghiệp tư nhân, các bang ở Ấn Độ thường chỉ ký biên bản ghi nhớ với tư nhân, thương lượng để biết tư nhân cần gì, chính quyền bang đáp ứng được gì,… Với nhiều dự án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức này, các công ty tư nhân thu được lợi nhuận rất lớn từ phí cầu đường trong nhiều năm. Trong khi đó, Nhà nước đã không tính đến việc thỏa thuận với nhà đầu tư để chia sẻ với cộng đồng khi khoản thu phí này quá cao, nên kết quả là người tham gia giao thông phải chịu chi phí cao. Sau đó, Chính phủ Ấn Độ đã chuyển sang đầu tư theo hình thức PPP và đấu thầu cạnh tranh để tìm ra nhà đầu tư đưa ra những điều kiện tốt nhất cho dự án.
 
IMG
Nhà đầu tư dự án Xây dựng đường tránh TP. Thanh Hóa thực hiện đầu tư theo hình thức BOT có thể được hưởng lợi rất lớn nếu không có sự thay đổi hợp đồng sau khi báo chí vào cuộc
 Ảnh: Hà Cầm
 
Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định PPP) cho biết, để khắc phục tồn tại liên quan đến đề xuất dự án của nhà đầu tư tư nhân, Dự thảo Nghị định PPP phải đạt được mục tiêu tiếp tục khuyến khích nhà đầu tư lập đề xuất dự án, đồng thời tạo ra quy trình, thủ tục lựa chọn đề xuất dự án chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch hơn để lựa chọn được các đề xuất dự án của nhà đầu tư thực sự sáng tạo, hiệu quả, tránh tình trạng các nhà đầu tư lợi dụng sự hạn chế của quy định pháp luật để trục lợi.
 
Theo đó, Dự thảo Nghị định PPP quy định theo hướng cho phép nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án ngoài danh mục do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh công bố, nhưng quy định cụ thể các điều kiện đề xuất dự án. Nhà đầu tư đề xuất dự án ngoài danh mục cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như quy định đối với dự án do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất và công bố. Ngoài ra, dự án do nhà đầu tư đề xuất cũng phải thực hiện thủ tục lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và công bố như quy định đối với các dự án trong danh mục… 
 
Theo nhiều ý kiến đánh giá, quy định theo hướng này sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế là khuyến khích nhà đầu tư lập đề xuất dự án, đồng thời thủ tục lựa chọn đề xuất dự án rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ sẽ giúp cơ quan nhà nước có thể lựa chọn được những đề xuất dự án hiệu quả, có chất lượng, có tính khả thi để được xem xét lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giảm thiểu được tình trạng nhà đầu tư trục lợi, đảm bảo được lợi ích của Nhà nước và người sử dụng công trình, dịch vụ.
 
 
 
Nguyệt Minh
Nguồn: musamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)