• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Cần thay đổi tư duy huy động vốn đầu tư công 

Hiện nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng của các địa phương là rất lớn trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách trung ương lại rất hạn chế. Có không ít tỉnh/thành phố vẫn có thói quen “trông chờ” vào sự cấp phát vốn của Trung ương. Đã đến lúc chính quyền các địa phương cần thay đổi tư duy về tài chính công, để tìm một hướng đi mới trong việc huy động và đa dạng hóa nguồn vốn.

IMG
Để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, chính quyền các địa phương nhất thiết
phải cải thiện hiệu quả đầu tư, đồng thời thúc đẩy hoàn thiện cơ chế tài chính dựa trên thị trường
Ảnh: Lê Tiên
 
Tại một cuộc họp mới đây có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, một nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc huy động vốn ở Việt Nam hiện nay. Phần lớn các tỉnh, thành phố vẫn đang có thói quen nhận hỗ trợ của Chính phủ theo hệ thống phân cấp và quy định phân chia nguồn thu giữa các cấp chính quyền. Không ít địa phương, mặc dù chưa xác định được nguồn vốn nhưng đã “mạnh ai nấy làm”, đua nhau làm quy hoạch, làm dự án, đầu tư tràn lan và cuối cùng gánh nặng lại đổ lên vai ngân sách trung ương, mặc dù các địa phương đã được phân cấp tự chủ về tài chính.
 
Trên thực tế, thị trường trái phiếu và vay thương mại ở Việt Nam vẫn còn kém phát triển, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chính quyền các địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm, số lượng nhà đầu tư dài hạn chưa đông; đầu tư vào kết cấu hạ tầng ở nhiều địa phương chưa hấp dẫn… Mặt khác, việc cho vay thương mại còn nhiều hạn chế về quy mô vốn, thiếu cơ chế truy thu rõ ràng.
 
IMG
Để cải thiện tình trạng thiếu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, có thể thực hiện nhiều giải pháp:
cải cách khu vực ngân hàng, phát triển thị trường vốn trong nước, thu hút đầu tư theo mô hình PPP...
Ảnh: LTT
 
Nhóm chuyên gia của WB cho rằng, để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, chính quyền các địa phương nhất thiết phải cải thiện hiệu quả đầu tư, đồng thời thúc đẩy hoàn thiện cơ chế tài chính dựa trên thị trường. Trên thực tế, chính quyền các địa phương có thể huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng qua nhiều kênh khác nhau. Thị trường vốn hiện nay rất đa dạng, như thị trường trái phiếu chính quyền địa phương, vốn vay ngân hàng, vốn từ nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án đầu tư đối tác công - tư (PPP), đất, quỹ phát triển địa phương.
 
Để giúp Việt Nam có được cái nhìn tổng quan về các mô hình huy động vốn thành công trên thế giới, các chuyên gia của WB đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế rất đa dạng với các mức độ phù hợp khác nhau. Mỗi mô hình lại có những ưu, nhược điểm riêng.
 
Colombia đã có bước tiến lớn trong việc phát triển thị trường nợ và thành lập Quỹ Phát triển đô thị thành công. Cộng hòa Séc lại thành công với Công ty Tài chính kết cấu hạ tầng địa phương (MUFIS). Trong đó, chính quyền địa phương tự mình xây dựng dự án, ngân hàng thương mại tiến hành đánh giá và chấp nhận tất cả các rủi ro tín dụng cho khoản vay của họ. MUFIS đã kích thích được sự cạnh tranh giữa các tổ chức cho vay thương mại đối với chính quyền địa phương và mở rộng sự tiếp cận tài chính cho chính quyền địa phương. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Brazil và một số nước khác, cơ chế tài chính trên cơ sở đất đai mang lại đòn bẩy tốt ở các khu vực có mật độ dân cư cao, song cần có quy hoạch đô thị dài hạn.
 
Còn tại Việt Nam, theo các chuyên gia của WB, xu hướng “đổi đất lấy hạ tầng” thông qua hình thức đầu tư PPP sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc huy động vốn từ việc sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng thường được sử dụng và có hiệu quả nhất là ở các thành phố lớn, có mật độ dân cư cao, còn các nơi khác khó hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.
 
Một trong những nguồn huy động có tiềm năng tại Việt Nam được nhóm nghiên cứu của WB đề xuất là mô hình Quỹ Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng địa phương. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của WB khuyến cáo, có những hạn chế nhất định và chỉ nên áp dụng mô hình Quỹ này ở cấp tỉnh, khoảng một nửa số tỉnh trên cả nước là có khả năng thành lập Quỹ này do hạn chế về nguồn lực, không thể huy động được vốn từ thị trường trong nước, chỉ có thể đầu tư vào kết cấu hạ tầng thu hồi chi phí cho địa phương và thường là có quy mô nhỏ.
 
Trên cơ sở tham khảo những mô hình huy động vốn thành công của quốc tế, Việt Nam có thể cải thiện tình trạng thiếu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng hiện nay cho các địa phương trên cơ sở thực tế của địa phương đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của WB, không có một giải pháp nào tồn tại đơn lẻ, mà cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: cải cách khu vực ngân hàng, phát triển thị trường vốn trong nước, thu hút đầu tư theo mô hình PPP và nguồn tài chính từ đất đai, quỹ tài chính hạ tầng đô thị.
 
 
Thủy Tiên
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)