• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Chia sẻ rủi ro trong thực hiện dự án PPP: Nhà đầu tư cần sự bình đẳng 

Trong nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP (hợp đồng BOT) đã thực hiện, nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro hơn thực hiện dự án vì luôn đứng ở thế dưới trong đàm phán hợp đồng với cơ quan nhà nước. Để mô hình PPP ngày một hoàn thiện và hấp dẫn các nhà đầu tư, Nhà nước cần lấy chủ thể là nhà đầu tư để phát hiện, nhận diện đầy đủ các rủi ro và có giải pháp chia sẻ rủi ro một cách khách quan, minh bạch…

IMG
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong thời gian tới, khi bắt tay vào xây dựng, thực hiện các dự án PPP, ngoài việc xem xét giảm thiểu rủi ro cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng, cần xem xét một cách khách quan và bình đẳng giải pháp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư
 Ảnh: Lê Tiên
 
Đây là kiến nghị của nhiều nhà đầu tư đã và đang thực hiện các dự án PPP (hợp đồng BOT) giao thông. Với nhiều nhà đầu tư, họ nhận thức rất rõ, PPP trong thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng là một hình thức ưu việt, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào mô hình này vẫn đầy băn khoăn khi nhiều rủi ro chưa được chia sẻ một cách công bằng, hợp lý. Thậm chí, có nhà đầu tư còn “dọa” không tham gia dự án BOT nữa, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng bị cơ quan nhà nước “ép” trong đàm phán hợp đồng, dẫn đến phải chịu quá nhiều rủi ro, càng làm càng lỗ. 
 
Đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án BOT, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco cho rằng, 3 năm qua, ngành giao thông đã rất thành công với việc hút lượng vốn rất lớn cho các dự án BOT. Tuy nhiên, đó cũng là lúc mà thị trường tài chính khó khăn, doanh nghiệp không biết đầu tư vào đâu, nên đã đổ nhiều vốn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông để tạo ra công ăn việc làm và giữ chân người lao động. Còn thực chất, Tasco không quá mặn mà với các dự án BOT giao thông. “Công ty tôi làm 5 dự án BOT nhưng bị ép từ quản lý suất đầu tư, phí nhân công, giá vốn”, ông Dũng chia sẻ. Sau khi chỉ ra nhiều rủi ro mà doanh nghiệp đã gặp phải khi thực hiện các dự án BOT, ông Phạm Quang Dũng thẳng thắn: “Nếu tới đây Nhà nước không điều chỉnh cơ chế thì có mời, tôi cũng không làm BOT được nữa”. 
 
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, cho rằng, thực tế hiện nay, khi cân nhắc đầu tư các dự án PPP, sự quan ngại hầu như vẫn tập trung vào các rủi ro của Nhà nước, của ngân hàng, của người dân, hầu như ít bàn đến những rủi ro của các nhà đầu tư, những cái giá phải trả cho sự đột phá hay mở đường khi họ dám tham gia đầu tư các dự án trong khi cơ chế chính sách còn đang được được hoàn thiện tại Việt Nam. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường có xu hướng ép các nhà đầu tư khi đàm phán hợp đồng, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro.
 
Từ thực tiễn triển khai đầu tư dự án Hầm Đèo Cả theo hình thức PPP (hợp đồng BOT và BT) – một dự án đến nay được đánh giá là khá thành công về tiến độ, chất lượng, tiết giảm chi phí, ông Hồ Minh Hoàng cho biết, có rất nhiều rủi ro phát sinh khi thực hiện Dự án, mà nếu không được nhận diện và quản trị phù hợp, thì không có kết quả như ngày hôm nay của Dự án. Đơn cử như việc nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng khi Dự án đưa vào khai thác, trong khi việc quản lý chất lượng Dự án phụ thuộc rất nhiều vào công tác kiểm soát phương tiện, tải trọng, ý thức của người tham gia giao thông. Trong khi thực hiện dự án Hầm Đèo Cả, nhà đầu tư cũng phải chịu rủi ro về giá vật tư nguyên liệu, định mức. Ngoài ra, còn phải kể đến rủi ro về phần vốn góp của Nhà nước trong dự án bố trí không đủ, không kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ chung; rủi ro về thu phí liên quan đến sự thay đổi mức thu phí và lưu lượng xe;… 
 
Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, cố vấn cao cấp cho dự án Hầm Đèo Cả cho biết thêm, rủi ro rất lớn mà nhà đầu tư dự án Hầm Đèo Cả gặp phải là về giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư. Theo hợp đồng dự án, công tác GPMB và tái định cư (539 tỷ đồng) do địa phương thực hiện và chi phí lấy từ ngân sách nhà nước. Theo kế hoạch thì mặt bằng phải được bàn giao vào quý I/2013 cho các hạng mục chính, nhưng việc này kéo dài đến tháng 8/2014. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách bố trí cho GPMB không đủ, không kịp thời nên khi triển khai nhà đầu tư đã phải vay vốn để thực hiện công việc này. Đến nay, toàn bộ công tác GPMB và tái định cư đã thực hiện xong, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được hoàn trả vốn đầy đủ. “Hàng trăm tỷ đồng vốn của doanh nghiệp đã ứng trước, mà chủ yếu là vốn vay ngân hàng, chúng tôi phải trả lãi”, ông Trần Chủng chia sẻ và đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ tính toán lãi vay cho nhà đầu tư trong việc GPMB đối với các dự án PPP.
 
Để hạn chế những rủi ro mà các nhà đầu tư đã gặp phải, từ thực tiễn triển khai các dự án PPP (hợp đồng BOT), nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong thời gian tới khi bắt tay vào xây dựng, thực hiện các dự án PPP, ngoài việc xem xét giảm thiểu rủi ro cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng, cần xem xét một cách khách quan và bình đẳng giải pháp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. 
 
Dù không đứng ở góc nhìn của nhà đầu tư, nhưng Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng đồng tình, phải thay đổi quan điểm về tư thế giữa Nhà nước và nhà đầu tư thì mới có thể thu hút nhiều hơn nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân cho hạ tầng giao thông, vì hiện nay Nhà nước vẫn ở tư thế cho, còn nhà đầu tư vẫn ở tư thế xin. Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Tăng cũng dẫn lại lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Nếu Nhà nước vẫn coi mình là ông chủ, là cấp trên thì doanh nghiệp còn thiệt thòi”. Ông Lê Văn Tăng cho biết, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP đã đặt ra nguyên tắc về PPP là bảo đảm nghĩa vụ và quyền lợi hài hòa giữa các bên tham gia dự án. Theo đó, PPP là quan hệ đối tác, gắn bó lâu dài, có sự bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng; quyền lợi, nghĩa vụ được phân bổ tương ứng với phần tham gia của mỗi bên và rủi ro mà mỗi bên phải chịu.
 
 
 
Nguyệt Minh
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)