• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Để cổ phần hóa DNNN không là “bình mới rượu cũ” 
Cổ phần hóa (CPH) là một giải pháp mang tính đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và khả năng tạo lợi nhuận của những doanh nghiệp này. Tuy nhiên, hoạt động CPH DNNN thời gian qua vẫn chưa tạo được sự chuyển biến đáng kể.
IMG
Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã đề ra thời hạn tiến hành các bước cổ phần hóa với các
doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện để bảo đảm phương án cổ phần hóa được phê duyệt chậm nhất là trong quý IV/2015
Ảnh: Lê Tiên
 
Với mục tiêu trong 2 năm 2014 - 2015 hoàn thành CPH 432 DNNN theo kế hoạch và 100 DNNN bổ sung sau khi rà soát thì số DNNN phải CPH trong thời gian này là 532 DN. Con số trên được Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đưa ra tại cuộc họp cuối năm 2014 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.
 
Thế nhưng, tính đến ngày 25/12/2014, cả nước mới CPH  được 143 DNNN. Đại diện Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương đã triển khai CPH nhưng đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả như Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công Thương… Số doanh nghiệp (DN) CPH, thoái vốn chưa đạt kết quả đề ra. Vì thế, để hoàn thành mục tiêu CPH 532 DNNN, cần sự nỗ lực rất lớn của các cấp từ Trung ương đến địa phương. 
 
Để thực hiện kế hoạch này, ngay từ đầu năm 2015, trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; tập trung vào CPH và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phấn đấu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN đúng thời hạn đặt ra.
 
Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng đề ra thời hạn để tiến hành các bước CPH với các DNNN chưa thực hiện để bảo đảm phương án CPH được phê duyệt chậm nhất là trong quý IV/2015. Theo đó, những DN có đủ điều kiện bán cổ phần lần đầu thực hiện theo quy định hiện hành; những DN chưa đủ điều kiện phải chuyển thành công ty cổ phần với cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa chủ sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh.
 
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung Danh mục công ty nhà nước cần CPH để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2015.
 
Ủng hộ quá trình tái cơ cấu DNNN của Việt Nam, đại diện Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam cho rằng, cần tiến hành mạnh mẽ CPH đối với những DNNN làm ăn không còn hiệu quả. Điều này sẽ giúp củng cố vị thế của Việt Nam trong khu vực, trở thành quốc gia mạnh mẽ hơn về kinh tế và là điểm đến đầu tư vốn, kỹ thuật và thương mại.
 
Đồng quan điểm nêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: CPH là thay đổi cơ cấu của DN với việc thay đổi hệ thống quản trị DN theo hướng tốt lên, dân chủ hơn và hiệu quả hơn”. 
 
Cụ thể hơn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: “Thực hiện CPH là phải có sự thay đổi căn bản về quản trị DN, tỷ lệ cổ phần của tư nhân tham gia phải lớn hơn tỷ lệ cổ phần của Nhà nước”. “Trên thực tế, có một số DNNN bao nhiêu năm nay nói thực hiện CPH nhưng lại không có sự thay đổi bất kỳ nhân sự nào, quy chế hoạt động nào… Thậm chí, có những DNNN lớn thực hiện CPH nhưng tỷ lệ cổ phần do tư nhân nắm giữ chỉ chưa quá 10%, gọi là công ty cổ phần nhưng Nhà nước nắm toàn bộ phần khống chế. Hiện tượng này đang trở thành phổ biến trong công tác CPH” _  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ lo ngại.
 
IMG
Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả sẽ giúp Việt Nam trở thành
quốc gia mạnh mẽ hơn về kinh tế và thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vốn, kỹ thuật và thương mại
 Ảnh: Tất Tiên
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 quy định: DNNN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thay vì từ 51% trở lên như quy định trước đây. Quy định mới này sẽ tạo động lực rất lớn cho tiến trình tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam nhờ các khuôn khổ pháp lý mới để các doanh nghiệp này tự chủ hơn trước rất nhiều. 
 
“Muốn DNNN thực hiện CPH hiệu quả, chúng ta phải thực hiện CPH ở mức Nhà nước không nắm cổ phần chi phối mà để các cổ đông khác nắm phần vốn, từ đó thay đổi cách quản lý DNNN hiện nay thành cách của những người góp vốn, hội đồng quản trị có quyền định đoạt mọi vấn đề. Còn nếu không cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”, không giải quyết được vấn đề gì và không có hiệu quả nào ở đây” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
 
 
 
 T.H
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)