• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư 

Chất lượng và hiệu quả xúc tiến đầu tư (XTĐT) còn thấp, công tác XTĐT còn dàn trải, chưa tập trung vào các đối tác, lĩnh vực trọng điểm cũng như chưa có sự thống nhất điều phối để thực hiện đúng mục tiêu. Đây là những hạn chế còn tồn tại trong công tác XTĐT của các địa phương đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chỉ rõ cần phải sớm khắc phục để tránh lãng phí nguồn lực trong công tác này.

IMG
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, công tác xúc tiến đầu tư của các địa phương còn
tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này
Ảnh: Lê Tiên
Tổng hợp báo cáo về công tác XTĐT của các địa phương gửi về Bộ KH&ĐT cho thấy, 6 tháng đầu năm 2014, các hoạt động XTĐT của các địa phương được phân bổ tương đối đồng đều, riêng hoạt động xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động XTĐT và tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư đã được các địa phương tập trung chú trọng khi chiếm tới 30,8% và 14,5% số hoạt động XTĐT cả nước.
 
Đối với 4 vùng kinh tế trọng điểm là Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 24 tỉnh, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, có tới 248 hoạt động XTĐT đã được thực hiện, chiếm 49,2% số hoạt động XTĐT của cả nước. Các hoạt động XTĐT của các tỉnh tại các khu vực này cũng chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động XTĐT và tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư.
 
Cũng theo báo cáo tổng hợp, trong 6 tháng đầu năm 2014, các địa phương trong cả nước đã tổ chức 62 đoàn XTĐT thực hiện XTĐT tại 17 nước và vùng lãnh thổ, trong đó các đối tác chủ yếu mà các địa phương hướng đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ và các nước ASEAN... Cùng với XTĐT, nhiều địa phương còn tổ chức các đoàn khảo sát thị trường tại Lào, Campuchia và Myanmar với mục đích tìm kiếm cơ hội và đối tác đầu tư tại thị trường mới cho các doanh nghiệp trong nước.
 
Tổ chức rầm rộ các đoàn XTĐT như vậy, song theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, công tác XTĐT của các địa phương còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, đa số các hoạt động XTĐT của các địa phương đều chưa được phân loại, bám sát theo quy định của Quy chế XTĐT, chưa hiểu đúng nội dung của mỗi loại hoạt động XTĐT. Bên cạnh đó, các hoạt động XTĐT được lập kế hoạch từ năm 2013 trước khi Quy chế XTĐT có hiệu lực (1/3/2014) nên hoạt động XTĐT của nhiều địa phương chưa được xây dựng thành chương trình, hoặc các hoạt động XTĐT có xây dựng thành chương trình nhưng không xác định rõ mục tiêu, nội dung, tiến độ, đầu mối và kinh phí thực hiện. Một vấn đề nữa cũng dễ nhận thấy là các báo cáo, chương trình XTĐT được cấp có thẩm quyền ở địa phương phê duyệt nhưng không phân tích được tính cần thiết, mức độ khả thi của các hoạt động, nhiều hoạt động mang tính chung chung.
 
Trên phương diện của một cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực XTĐT cấp quốc gia, Bộ KH&ĐT cho rằng, hạn chế rõ nhất có thể thấy trong XTĐT ra nước ngoài hiện nay của các địa phương là nhiều hoạt động tổ chức dồn dập, lãng phí, chưa có hiệu quả tương xứng khi hình thức chủ yếu chỉ dừng lại là các hội nghị xúc tiến đầu tư. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp như khảo sát thị trường kết nối đầu tư thì còn rất khiêm tốn, chưa được quan tâm đúng mức.
 
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, mục tiêu đầu tiên của công tác XTĐT ra nước ngoài là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ chế, chính sách đầu tư ở một số địa bàn cụ thể, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh phù hợp. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này thì việc cần làm của các địa phương là chuyển hướng XTĐT. Cụ thể, bên cạnh kết nối, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài, thì hỗ trợ, thúc đẩy triển khai có hiệu quả các dự án đã có, định hướng các dự án đầu tư mới vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn thuận lợi, có lợi ích gắn với nền kinh tế trong nước cần được xác định là việc làm quan trọng hàng đầu.
 
 
Hồng Vân
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)