Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được xem là giải pháp quan trọng để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, khi thúc đẩy thu hút tư nhân đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng thông qua hình thức đầu tư PPP cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm những con đường, những cây cầu… thực hiện hoàn vốn bằng cách thu phí người sử dụng. Và điều khiến nhiều người trăn trở là nếu như Nhà nước không làm tốt vai trò điều tiết và bảo đảm hài hòa lợi ích, thì vô hình trung, gánh nặng tài chính sẽ chuyển từ vai của Nhà nước sang cho người dân.
Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong việc điều tiết lợi ích giữa các bên tham gia dự án PPP nhằm bảo đảm yếu tố cạnh tranh, hạn chế và tránh độc quyền
Ảnh: Lê Tiên
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong việc điều tiết lợi ích giữa các bên tham gia dự án PPP nhằm bảo đảm yếu tố cạnh tranh, hạn chế và tránh độc quyền. Lợi ích của việc huy động tư nhân tham gia các dự án PPP là làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án, huy động được nguồn vốn, kỹ năng, công nghệ của khu vực tư nhân, nhất là trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, nợ công tiềm ẩn những vấn đề nhất định; song, Nhà nước cần phải làm tốt vai trò điều tiết thông qua hệ thống công cụ chính sách minh bạch và rõ ràng để bảo đảm “sân chơi PPP” có nhiều “người chơi”, có áp lực cạnh tranh nhất định thì người dân - người tiêu dùng không bị thiệt. Trường hợp “sân chơi PPP” chỉ có một hoặc ít người chơi (có 1 hoặc 2 nhà đầu tư tham gia vào 1 dự án PPP), thì Nhà nước phải biết can thiệp bằng các quy định để tạo sự cạnh tranh và hài hòa lợi ích để người tiêu dùng không bị thiệt thòi.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chủ trương thúc đẩy chương trình PPP của Nhà nước không có nghĩa là sẽ đẩy gánh nặng tài chính từ Nhà nước sang cho người dân. Những tư tưởng đổi mới với các quy định chặt chẽ của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP sẽ bảo đảm hấp dẫn tư nhân bỏ vốn đầu tư vào các công trình của Nhà nước, tuy nhiên, sẽ không để nhà đầu tư độc quyền làm PPP với lợi nhuận quá cao khiến người dân - người sử dụng công trình PPP chịu gánh nặng tài chính. Do đó, tất cả các dự án PPP sẽ phải đưa ra thị trường để đấu thầu một cách công khai, minh bạch để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Một dự án PPP thành công thì phải hài hòa lợi ích của cả 3 bên: nhà đầu tư - Nhà nước và người sử dụng. Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP đã cơ bản đáp ứng được điều đó.
Một dự án PPP thành công thì phải hài hòa lợi ích của 3 bên: Nhà đầu tư - Nhà nước và người sử dụng
Ảnh: LTT
Chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, Nhật Bản đã điều tiết chính sách để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và tư nhân trong các dự án PPP về hạ tầng hàng không. Ngày 11/10/2013, Bộ Đất đai, Kết cấu hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản đã chính thức thông báo về “chính sách cơ bản đối với khai thác sân bay do Nhà nước quản lý bằng việc sử dụng năng lực của khu vực tư nhân”. Chính sách này của Nhật Bản có cơ chế chia sẻ rủi ro thiên tai giữa người khai thác sân bay và Chính phủ trong quá trình tư nhân hóa sân bay ở Nhật Bản, cách thức xác định sở hữu các công trình xây dựng ở sân bay và việc áp dụng các tiêu chuẩn khai thác và đầu tư vốn bổ sung. Việc chuyển giao quyền sở hữu này sẽ được Chính phủ Nhật Bản thực hiện thông qua đấu thầu. Các loại giá như giá hạ cánh sẽ do người khai thác sân bay tư nhân quyết định, nhưng phải thông báo cho Chính phủ. Chính phủ có thể yêu cầu người khai thác sân bay điều chỉnh giá, nếu giá đó được xây dựng mang tính bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với người sử dụng cụ thể nào đó; hoặc không hợp lý xét theo bối cảnh kinh tế - xã hội, hoặc dường như gây khó khăn đặc biệt cho người sử dụng kết cấu hạ tầng sân bay. Chính phủ Nhật Bản quy định tiêu chuẩn khai thác sân bay mà người khai thác sân bay nhượng quyền phải tuân thủ. Nhà nước giám sát việc khai thác sân bay theo tiêu chuẩn quy định, bảo đảm an toàn và thân thiện với người sử dụng.
Trước lo ngại hiện nay của dư luận về chính sách khuyến khích tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông thông qua hình thức PPP sẽ dẫn đến việc tư nhân sở hữu ngày càng nhiều các công trình hạ tầng của đất nước, nguy cơ xảy ra tình trạng độc quyền là rất cao, mà hậu quả là “phí sử dụng công trình bị đẩy lên” khiến người dân phải gánh chịu áp lực tài chính, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường khẳng định, dù công trình thuộc sở hữu của ai, thì vai trò quản lý của Nhà nước cũng không thay đổi. Các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm thiết lập cơ chế hoạt động chung. Nguyên tắc là không phân biệt chủ sở hữu, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích tổng thể của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, không để tình trạng các nhà đầu tư sau khi nắm quyền sở hữu công trình có thể lợi dụng vị thế của mình để độc quyền, chèn ép người sử dụng. Chẳng hạn, đối với các cảng hàng không, sân bay, sau khi nhượng quyền khai thác, thậm chí bán cho nhà đầu tư, Nhà nước phải nắm được quyền kiểm soát việc cấp phép hoạt động của các hãng hàng không. Mục tiêu là bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng phát triển và người dân thì được hưởng dịch vụ tốt hơn với giá hợp lý.
Bích Thảo
Người đăng: T.An