(CTTĐTBP) - Hiệp hội cao su vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu cao su từ mức 1% xuống 0% đối với 3 mặt hàng cao su sơ chế, nhằm tăng tính cạnh tranh về giá so với các nước trong khu vực, khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm và tạo sự bình đẳng trong sản xuất và xuất khẩu.
Ảnh minh họa.
Theo Hiệp hội cao su, từ năm 2003 đến nay, ngành cao su gặp nhiều khó khăn do giá giảm mạnh trên thị trường thế giới, vì nguồn cung của các nước tăng quá nhanh, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới chậm, làm cao su tồn kho ở mức cao kỷ lục từ cuối năm 2013 và dự báo có thể kéo dài sang vài năm tới. Do đó, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận của doanh nghiệp đang giảm dần. Lượng cao su xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 230.000 tấn, trị giá khoảng 473 triệu USD, giảm 20,2% về lượng và 39,2% về trị giá.
Hiện nay, giá xuất khẩu cao su dao động trong khoảng 36 triệu đến 41 triệu đồng/tấn (khoảng 2.020 USD/tấn), giảm 56% so với giá cao nhất tại thời điểm năm 2011. Nhiều hộ nông dân đã ngưng cao mủ, một số doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất nhưng phải cắt giảm phân bón và giảm tiền lương, kéo theo giảm sản lượng và ảnh hưởng đến đời sống người lao động.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ giảm mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp thuộc nhóm HS 4001, 4002 và 4005 từ mức 1% xuống còn 0% để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành cao su, làm tăng tính cạnh tranh về giá trong tình hình cung thế giới đang cao hơn nhu cầu./.
Nhật Phong
Người đang: T.An