So với cùng kỳ năm 2012, số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới tăng 10,8%.
Trong quý III/2013 có 19.323 DN đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 87.798 tỷ đồng, giảm 16,7% về số DN và 23,1% về số vốn đăng ký so với quý II, nhưng lại tăng 23% và 10,6% so với quý I/2013.
Trong 9 tháng qua đã có 11.299 DN hoạt động trở lại, trong đó có 4.060 DN ở các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; 1.628 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 1.918 DN ngành xây dựng. Riêng TPHCM có hơn 4.000 DN hoạt động trở lại.
Một số vùng như Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên tuy chiếm tỷ trọng thấp so với cả nước về số lượng DN, nhưng số DN đăng ký và thành lập mới lại tăng nhanh; số DN gặp khó khăn phải giải thể hay tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ví dụ, tỉnh Yên Bái: DN thành lập mới tăng 18,1%, dừng hoạt động giảm 31,5%; Lâm Đồng: DN thành lập mới tăng 22,8%, dừng hoạt động giảm 44,3%; Hà Tĩnh: DN thành lập mới tăng 46,6% dừng hoạt động giảm 78,8%...
Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng xuất khẩu là điểm sáng nhất trong tình hình kinh tế 9 tháng qua, trong đó, các DN FDI đạt thành tích xuất khẩu tốt hơn các DN Việt Nam.
Tại buổi giao ban sản xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện TPHCM cho biết, dù Thành phố đã đẩy mạnh việc kết nối các ngân hàng và DN trên tất cả 24 quận, huyện, nhưng mới chỉ cho 415 DN và 600 hộ sản xuất vay được số vốn 8.781 tỷ đồng. Nguyên nhân được đại diện địa phương lý giải là do hàng tồn kho vẫn cao, nhịp độ sản xuất của DN còn thấp, nên DN chưa muốn vay vốn ngân hàng.
Anh Minh