(CTTĐTBP) - Ngày 30/5, đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng do bà Trần Thanh Bình - Phó Chánh Văn phòng Trung ương, làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát tại tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 53 của Bộ Chính trị khóa IX về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020.
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, sau 2 năm thực hiện Kết luận số 27 ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53, Tỉnh ủy Bình Phước đã tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể đã đánh giá thực hiện chương trình đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh phát triển công nghiệp và dịch vụ; chương trình đột phá về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực... Nhờ đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2012 tăng 11,5%, năm 2013 tăng 9,59%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 38 triệu đồng, năm 2013 là 41 triệu đồng.
Bên cạnh đó, giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm đúng mức, nguồn nhân lực phát triển ngày càng tăng, phát triển cả về quy mô và chất lượng giáo dục. Bước vào năm học 2013 - 2014, tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 90,25%; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 97,83%; học sinh vào lớp 6 đạt 98,97%. Trên địa bàn tỉnh không có lớp học 3 ca. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được cải thiện, mạng lưới y tế phủ khắp các xã, phường, thị trấn. Dịch bệnh luôn được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề được thực hiện khá tốt, nhất là nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo nhu cầu xã hội. Số lao động được đào tạo nghề khoảng gần 16.000 người.
Trong những năm qua, Bình Phước cũng luôn tham gia góp ý cho quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng; đồng thời luôn đặt trong mối quan hệ phát triển vùng, có chú trọng đến việc liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng; ban hành một số quy hoạch nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó, tỉnh đã chủ động tham gia các hội chợ kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm giới thiệu tiềm năng và kêu gọi xúc tiến đầu tư; tham gia các diễn đàn, hội chợ đầu tư vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giới thiệu sản phẩm công nghiệp của các địa phương...
Tại buổi khảo sát, đa số các ý kiến cho rằng Bình Phước là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người khá cao so với các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội còn kém so với các địa phương khác. Cơ cấu đào tạo nghề chưa sâu sát, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn hạn hẹp, nên rất khó khăn cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ cao su nhưng đến nay vẫn chưa có một khu công nghiệp dành riêng cho sản phẩm này, nên đời sống người dân còn gặp nhiều bấp bênh khi giá cao su thay đổi. Chính vì vậy, cần có chính sách nghiên cứu, quy hoạch để xây dựng một khu công nghiệp chuyên chế biến cao su ở ngay thủ phủ của địa phương./.
Thành Nguyên
Người đăng: T.An