Trong lựa chọn nhà thầu đối với các dự án, gói thầu sử dụng vốn nhà nước, việc mua và bán giữa hai bên thường chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và sử dụng vốn của nhà nước để chi trả. Do vậy, giữa chủ đầu tư và nhà thầu thường chỉ dừng lại ở mối quan hệ giữa bên mua và nhà cung cấp. Tuy nhiên, trong lựa chọn nhà đầu tư, mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư không chỉ dừng lại ở đó. Nhà đầu tư bỏ vốn, trình độ quản lý, công nghệ để hợp tác lâu dài với Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư công nhằm thu lợi nhuận, thậm chí nhiều trường hợp, Nhà nước còn phải bỏ phần vốn của mình vào dự án để tăng tính khả thi. Cả hai bên đều phải chịu rủi ro, song cũng thu được lợi ích của riêng mình từ mối quan hệ này. Chính vì vậy, quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư không chỉ dừng ở mối quan hệ giữa bên mua và bên bán thông thường, mà phải được nâng lên thành mối quan hệ đối tác. Đây chính là sự khác biệt quan trọng giữa lựa chọn nhà thầu và lựa chọn nhà đầu tư.
Nghị định số 30/2015/NĐ-CP xác định hình thức cơ bản phải áp dụng để lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi quốc tế,
kể cả dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và dự án đầu tư có sử dụng đất
Ảnh: Lê Tiên
Với tư duy này, cách tiếp cận trong lựa chọn nhà đầu tư cần được thay đổi. Trong bối cảnh nguồn lực, trình độ kỹ thuật, công nghệ, quản lý trong nước còn hạn chế, để có những công trình, dịch vụ tốt nhất thì việc mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia được xem như giải pháp chiến lược, có tính lâu dài. Điều này cũng tạo động lực cũng như sức ép cho các nhà đầu tư trong nước tự đổi mới chính mình để đủ khả năng, năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư xác định hình thức cơ bản phải áp dụng để lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi quốc tế, kể cả dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án đầu tư có sử dụng đất.
Tất nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như lĩnh vực đầu tư mà quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện hay dự án PPP nhóm C… thì được phép tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để tránh gây lãng phí về nguồn lực và thời gian. Tuy nhiên, một cách linh hoạt, trường hợp cần sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế thì nhà đầu tư trong nước vẫn được phép liên danh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc sử dụng nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu và thực hiện dự án PPP nhóm C.
Tư duy mới trong Nghị định số 30/2015/NĐ-CP góp phần quan trọng làm nên hiệu quả của công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Ảnh: LTT
Điểm khác biệt này kéo theo việc thay đổi tư duy đối với quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Nếu như trước đây, việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư dựa trên số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia (sau khi Danh mục dự án được công bố) thì theo quy định mới trong Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện tại bước sơ tuyển. So với lựa chọn nhà thầu, đây cũng lại là quy trình “ngược”, thực hiện sơ tuyển trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư. Tuy làm “ngược” nhưng hiệu quả đem lại vô cùng lớn.
Thông qua sơ tuyển, hình thức lựa chọn nhà đầu tư được xác định rõ, minh bạch với tư duy nếu từ 2 nhà đầu tư trở lên trúng sơ tuyển mà có ít nhất 1 nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Tương tự, nếu có ít nhất 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển mà không có nhà đầu tư nước ngoài nào thì chỉ tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước. Chỉ định thầu được áp dụng khi chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Cách tư duy này vừa có tính lô-gic, lại giảm chi phí không cần thiết và quan trọng nhất là tạo ra sự minh bạch, chống thông đồng. Không những thế, việc tách bước sơ tuyển (mục đích để lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm) thực hiện trước còn góp phần giảm gánh nặng về chi phí, thời gian cho nhà đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu khi mà họ được đánh giá là không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án.
Với cách xác định như vậy, nhà đầu tư chân chính không còn phải e ngại trong việc “đi đêm”, thông đồng, móc ngoặc giữa bên mời thầu và nhà đầu tư. Hơn nữa, để công khai, minh bạch, tất cả các thông tin về lựa chọn nhà đầu tư từ bước công bố danh mục dự án, thông báo mời sơ tuyển đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư đều được công khai trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nhà đầu tư nước ngoài cũng không phải lo lắng vì không tiếp cận được thông tin do thông báo mời sơ tuyển quốc tế cũng sẽ còn được đăng tải trên Trang thông tin điện tử hoặc tờ báo quốc tế bằng tiếng Anh được phát hành rộng rãi tại Việt Nam. Minh bạch trong thông tin, thay đổi trong tư duy góp phần quan trọng làm nên hiệu quả của công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Trần Quang - Phòng ĐT
Người đăng: T.An