Những cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đấu thầu, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu; đã được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao. Những đổi mới này thể hiện rõ trong Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và được cụ thể hóa trong Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Tài chính quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng (Thông tư liên tịch số 07).
Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC quy định, bên mời thầu chỉ cung cấp thông tin đến một nơi: tự đăng tải lên
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn) hoặc cung cấp cho Báo Đấu thầu
Ảnh: Tất Tiên
Cung cấp thông tin tại một nơi
Liên quan đến việc công khai thông tin về đấu thầu, theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Đấu thầu, các thông tin về đấu thầu phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (MĐTQG) và Báo Đấu thầu. Tiếp đó, tại Điều 8 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu) quy định về quy trình cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính thì các đối tượng có trách nhiệm cung cấp thông tin về đấu thầu có thể tự đăng tải thông tin lên Hệ thống MĐTQG hoặc cung cấp thông tin cho Báo Đấu thầu.
Trước đây, Điều 1 của Thông tư liên tịch số 20/2010/TTLT-BKH-BTC quy định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND các cấp, các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan khác có dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thực hiện việc cung cấp thông tin và chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu và các đơn vị liên quan thuộc phạm vi quản lý của mình cung cấp các thông tin về đấu thầu cho Báo Đấu thầu để thực hiện việc đăng tải theo quy định”.
Thông tư liên tịch số 07 đã cụ thể hóa quy định tại Nghị định 63/NĐ-CP, theo đó, bên mời thầu chỉ cung cấp thông tin đến một nơi: tự đăng tải lên Hệ thống MĐTQG (tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn) hoặc cung cấp cho Báo Đấu thầu, trong đó ưu tiên việc tự đăng tải thông tin qua mạng, chỉ những bên mời thầu nào chưa đủ điều kiện (về máy tính, Internet) để đăng tải thì mới cung cấp thông tin cho Báo Đấu thầu; những bên mời thầu nào đã đăng ký vào Hệ thống MĐTQG thì phải tự đăng tải thông tin đấu thầu, chứ không gửi thông tin cho Báo Đấu thầu nữa; Báo Đấu thầu nhận được phiếu đăng ký thông tin từ những đơn vị này sẽ không có trách nhiệm đăng tải các thông tin đó (Khoản 4 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 07). Trường hợp bên mời thầu đã đăng ký vào Hệ thống MĐTQG và tự đăng tải thông tin về đấu thầu lên Hệ thống thì không gửi phiếu đăng ký đến Báo Đấu thầu như trước đây. Những thông tin do bên mời thầu tự đăng tải lên Hệ thống sẽ được Báo Đấu thầu trích xuất để đăng tải trên Báo Đấu thầu.
Mặt khác, để bảo đảm tất cả các thông tin sẽ được đăng tải đầy đủ cả trên Hệ thống MĐTQG và Báo Đấu thầu, Thông tư liên tịch số 07 quy định trách nhiệm đối với Báo Đấu thầu là: Đối với những thông tin về đấu thầu do bên mời thầu cung cấp cho Báo Đấu thầu, sau khi đăng trên Báo, Báo Đấu thầu đăng tải tiếp những thông tin này lên Hệ thống MĐTQG.
Như vậy, tất cả những thông tin về đấu thầu được bên mời thầu tự đăng tải lên Hệ thống MĐTQG hoặc cung cấp cho Báo Đấu thầu đều được đăng tải công khai đồng thời trên cả hai phương tiện là Báo Đấu thầu và Hệ thống MĐTQG. Quy định này không chỉ đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các bên mời thầu, tránh sự phiền hà, phức tạp, phải qua nhiều bước, tiết kiệm thời gian, công sức, mà còn giúp các bên liên quan thuận tiện trong việc theo dõi, giám sát, cập nhật thông tin.
Không quy định hạn mức gói thầu bắt buộc đăng tải qua mạng
Theo quy định của Thông tư liên tịch số 20/2010/TTLT-BKH-BTC về các thông tin về lựa chọn nhà thầu phải đăng tải trên Báo Đấu thầu, hạn mức tổng mức đầu tư hoặc dự toán của kế hoạch lựa chọn nhà thầu một hoặc một số gói thầu hoặc mua sắm thường xuyên là từ 5 tỷ đồng trở lên; thông báo mời chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu mua sắm hàng hóa là từ 500 triệu đồng trở lên; kết quả lựa chọn nhà thầu là từ 2 tỷ đồng trở lên…
Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam từng có ý kiến đề nghị rằng cần quy định cụ thể về hạn mức giá trị và hình thức lựa chọn nhà thầu của các gói thầu phải thực hiện đăng tải thông tin trên Hệ thống MĐTQG và Báo Đấu thầu. Việc quy định rõ về hạn mức, theo Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, là nhằm tránh phát sinh thêm quá nhiều thủ tục, chi phí, kéo dài thời gian thực hiện, đặc biệt là đối với các gói thầu có giá trị nhỏ, thuộc hạn mức cho phép chỉ định thầu, gói thầu mua sắm thường xuyên có giá trị rất nhỏ (dưới 100 triệu đồng).
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng, bên mời thầu chỉ mất khoảng 2 - 3 phút để tự đăng tải thông tin về đấu thầu lên Hệ thống MĐTQG. Do vậy, Bộ KH&ĐT khẳng định, việc không quy định hạn mức sẽ không thể làm phát sinh thủ tục và kéo dài thời gian thực hiện. Hơn nữa, theo Bộ KH&ĐT, đối với những gói thầu có giá trị nhỏ, bên mời thầu có thể áp dụng các hình thức lựa chọn như chỉ định thầu (không đăng tải thông báo mời thầu) hoặc chào hàng cạnh tranh rút gọn (không bắt buộc phải đăng tải thông báo mời chào hành cạnh tranh trên Hệ thống MĐTQG và Báo Đấu thầu theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 59 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).
Việc loại bỏ hạn mức gói thầu bắt buộc phải thực hiện đăng tải trên Hệ thống MĐTQG và Báo Đấu thầu cũng nhằm tăng cường sự tham gia tích cực của các bên mời thầu thực hiện đấu thầu qua mạng (ĐTQM). Thực tế triển khai thí điểm ĐTQM từ năm 2009 đến nay cho thấy, trong khi phần lớn các nhà thầu luôn ráo riết, mong muốn đẩy nhanh triển khai ĐTQM, thì có không ít bên mời thầu lại luôn tìm mọi cách để né tránh, cố thoát khỏi “vòng cương tỏa” với ý đồ riêng để không phải ĐTQM, vì nó “quá minh bạch và công khai”.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế, một số quốc gia đã thực hiện thành công ĐTQM với cả những gói thầu có quy mô lớn, chứ không chỉ ở quy mô nhỏ. Càng nhiều gói thầu thực hiện theo phương thức ĐTQM thì càng làm gia tăng tính cạnh tranh, minh bạch và công khai như mục tiêu mà Quốc hội đã đặt ra trong hoạt động đấu thầu mua sắm công.
Bích Thủy
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An