• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Hình thức đầu tư PPP cần cho phát triển giáo dục và đào tạo 

Mặc dù tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo so với GDP của Việt Nam không thấp so với nhiều nước trên thế giới, song phần dành cho đầu tư không nhiều, cộng thêm công tác quản lý còn hạn chế khiến nguồn lực đầu tư cho giáo dục lại càng thêm hạn hẹp và kém hiệu quả.

IMG
Việc áp dụng hình thức đầu tư PPP có thể tạo nên những thay đổi đáng kể
trong hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam
Ảnh: LTT
 
Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư cho con người là lĩnh vực quan trọng trong đầu tư công, bởi xét về dài hạn, chính sự gia tăng về chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định tốc độ tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của một quốc gia. 
 
Từ những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu nhận thấy nguồn lực ngân sách không thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản của việc cung cấp dịch vụ giáo dục có chất lượng cho xã hội. Do đó, họ đã nghiên cứu các mô hình nhằm kêu gọi sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước vào đầu tư cung ứng dịch vụ công và đã đạt được nhiều thành công. Mục đích của việc hình thành mối quan hệ công - tư này là huy động nguồn lực và tính sáng tạo, công nghệ tiên tiến cũng như kinh nghiệm quốc tế về giáo dục của khu vực tư nhân. 
 
Về vấn đề này, các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam với nguồn tài chính còn hạn hẹp, hệ thống giáo dục và đào tạo đâu đó còn mang nặng tính lý thuyết, tuyên truyền, thiếu sự sáng tạo, thì việc áp dụng hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) có thể tạo nên những thay đổi đáng kể trong hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
 
Nhìn lại cơ cấu vốn đầu tư công theo lĩnh vực của Việt Nam trong giai đoạn 2000 - 2013 có thể thấy, đầu tư công chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế (chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư công), trong khi đầu tư cho con người (giáo dục, y tế, nghệ thuật) lại ở mức thấp (khoảng 10% tổng vốn đầu tư công). Tại Hội thảo “Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, thực tế kinh tế khu vực công còn chiếm đa số phản ánh một mặt hoạt động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tại Việt Nam chưa được phát triển hoàn thiện, nên đầu tư công vẫn đóng vai trò quan trọng; mặt khác, có thể nhìn nhận những điều kiện thuận lợi để phát triển khu vực tư nhân chưa được Chính phủ quan tâm đúng mức.
 
Cụ thể, đối với giáo dục và đào tạo, trong giai đoạn 2009 - 2013, tổng vốn đầu tư của Chính phủ dành cho lĩnh vực này liên tục tăng từ 9 - 13%/năm, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư chỉ ở mức 2,8 - 3,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Từ đầu năm 2014, vốn đầu tư cho giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ dù có tăng, nhưng vẫn chưa thể mang lại hiệu quả vượt bậc cho giáo dục và đào tạo cũng như khoa học và công nghệ. 
 
Mặt khác, nhìn vào Bảng tổng hợp chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ trong giai đoạn nêu trên do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cung cấp cũng có thể thấy: Phần lớn số vốn chi cho giáo dục của Việt Nam là đổ vào các trường công ở mọi cấp học. Số lượng các trường công ở mức cao, trong đó có cấp tiểu học và trung học cơ sở luôn chiếm trên 99% số lượng trường trên cả nước. Cơ cấu chi tiêu công thường xuyên trong lĩnh vực này vẫn lấn át so với chi tiêu cho đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
 
Chính bởi những lý do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần sử dụng các biện pháp ưu đãi để khuyến khích khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia vào phát triển giáo dục và đào tạo. Đây là công cụ được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như “lợi dụng” những chính sách ưu đãi của Chính phủ để thu hút nguồn lực xã hội. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Thùy Vinh nhấn mạnh: “Đẩy mạnh áp dụng hình thức đầu tư PPP trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ góp phần thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia phát triển đất nước”. 
 
Liên quan đến việc khuyến khích tư nhân tham gia vào đầu tư phát triển kinh - xã hội của đất nước, Nghị định về PPP, dự kiến sẽ sớm được ban hành đã có những quy định theo hướng tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân khi tham gia vào các dự án công, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
 
 
 
 Trung Hiếu
Nguồn" muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)