Thời gian trước, dệt thổ cẩm trở thành nghề chính của bà con nơi đây. Một vài năm gần đây, nhu cầu dùng vải thổ cẩm của chính người S’tiêng giảm đi, vì xu hướng hòa nhập cuộc sống hiện đại. Mặt khác, ở một số địa phương trong cả nước đã xây dựng được làng nghề dệt thổ cẩm, sản xuất với số lượng lớn, nên hàng thổ cẩm trở nên bão hòa, đại trà. Thêm vào đó, giá vải thổ cẩm cũng khá cao. Bình quân 1 tấm vải dệt thổ cẩm có giá 700 ngàn đồng, còn một chiếc áo thổ cẩm có giá từ 400 ngàn đồng trở lên.
Nhiều hộ cả năm làm nghề mà không đủ sống, vì sản phẩm không bán được, còn tồn kho. Trong khi đó, công sức để làm ra một tấm vải thổ cẩm khá gian nan, có khi mất vài tháng. Do đó, nhiều hộ đã không còn mặn mà với nghề, gác treo khung dệt; thanh niên hoặc trẻ em trong thôn chuyển sang học nghề khác.
Để nghề dệt thổ cẩm không bị mai một và phát triển bền vững, UBND tỉnh đã đồng ý giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phục hồi nghề dệt thổ cẩm cho 30 hộ đồng bào S’tiêng tại thôn Phu Mang II. Đây là tín hiệu vui, giúp bà con yên tâm sống được với nghề, duy trì và phát triển nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình./.
Nhật Phong