Công khai, minh bạch thông tin đấu thầu, quy định chặt chẽ về chỉ định thầu, áp dụng đấu thầu điện tử… là những giải pháp đang được đẩy mạnh áp dụng nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động mua sắm công ở Việt Nam.
Yêu cầu về minh bạch thông tin
Theo Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP), Chỉ số Công khai ngân sách (OBI) của Việt Nam năm 2012 đạt 19 điểm trên tổng số 100 điểm, thấp hơn chỉ số trung bình là 43 của 100 quốc gia được khảo sát và thấp hơn so với điểm số trung bình của hầu hết các quốc gia trong khu vực. Giới chuyên gia đánh giá rằng, một trong những nguyên nhân khiến OBI của Việt Nam còn thấp là do việc phân bổ, sử dụng ngân sách chưa thật công khai, minh bạch và hậu quả là “miếng bánh” ngân sách thực chi cho đầu tư phát triển của Việt Nam ngày càng eo hẹp. Hơn nữa, trong mấy năm qua, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ gây lãng phí ngân sách. Do đó, tiết kiệm chi tiêu được đặt ra như một kỷ luật để tránh nguy cơ thâm hụt ngân sách và nợ công cho Việt Nam.
Hoạt động mua sắm công ngày càng trở nên quan trọng ở các nước đang phát triển khi
nguồn lực nhà nước trở nên hạn hẹp trong lúc nhu cầu mua sắm công ngày càng lớn Ảnh: Lê Tiên
Từ thực tế cho thấy, hiện có không ít dự án lớn của Việt Nam luôn chậm tiến độ, đội vốn đầu tư, một vài dự án vừa hoàn thành đã xuống cấp, kém hiệu quả, gây lãng phí ngân sách quốc gia. Đơn cử là dự án đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM chậm tiến độ từ 3 - 5 năm, có dự án đội vốn đầu tư lên tới 200% so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
IBP đã giới thiệu một bộ công cụ khảo sát công khai ngân sách (OBS Tracker) nhằm tăng hiệu quả quản trị ngân sách với sự tham gia của người dân, đáp ứng tốt hơn những ưu tiên quốc gia, có khả năng chống tham nhũng cao và hiệu quả. IBP cho biết, theo các tiêu chuẩn hiện có về minh bạch ngân sách thì 8 tài liệu ngân sách quan trọng phải được công khai một cách kịp thời trong suốt chu trình ngân sách, gồm: định hướng xây dựng ngân sách, dự thảo ngân sách, dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo thực hiện ngân sách theo quý, báo cáo thực hiện ngân sách 6 tháng, báo cáo quyết toán ngân sách, báo cáo của kiểm toán nhà nước về ngân sách, bản ngân sách dành cho công dân.
Ông Joel Friedman, chuyên gia cao cấp của IBP nhấn mạnh: “Công khai ngân sách là việc làm rất quan trọng bởi ngân sách chính là tiền thuế của dân, người dân cần được biết, theo dõi, giám sát số tiền này có được sử dụng hiệu quả hay không”.
Đấu thầu góp phần tiết kiệm cho ngân sách
Đánh giá tác động của hoạt động đấu thầu đối với việc tiết kiệm chi tiêu công, nhiều chuyên gia quốc tế về đấu thầu đều khẳng định, đấu thầu có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Tại chuỗi Hội thảo về “Sáng kiến nhằm đạt hiệu quả trong đấu thầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) tổ chức mới đây tại Hà Nội, Giáo sư Daniel I. Gordon, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu Luật Mua sắm công thuộc Đại học George Washington (Hoa Kỳ) cho rằng: “Giá trị mua sắm công tương đương khoảng 15 - 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây có thể xem là chìa khóa để phân phối hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho xã hội, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các lĩnh vực như: giao thông vận tải, y tế, giáo dục… Hoạt động mua sắm công có thể tạo điều kiện cho việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để phục vụ các mục đích công cũng nhưng phát triển các ngành, nhóm và khu vực đặc biệt mà Chính phủ ưu tiên. Hoạt động mua sắm công lại càng trở nên quan trọng ở các nước đang phát triển khi nguồn lực nhà nước trở nên hạn hẹp trong lúc nhu cầu mua sắm công ngày càng lớn”.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đang ngày càng hoàn thiện và đồng bộ,
tạo cơ sở cho việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các gói thầu sử dụng vốn nhà nước Ảnh: Tất Tiên
Tại Việt Nam thời gian qua, hoạt động đấu thầu đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng đối với nâng cao hiệu quả hoạt động chi tiêu công. Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh nhận xét rằng: Với 20 năm xây dựng và phát triển công tác đấu thầu tại Việt Nam (1994 - 2014), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đang ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, góp phần thiết lập môi trường minh bạch, cạnh tranh cho hoạt động đấu thầu, tạo cơ sở cho việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các gói thầu sử dụng vốn nhà nước, đem đến hiệu quả cao hơn trong đầu tư công, phòng chống tham nhũng, tiết kiệm không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, công tác kiểm tra, giám sát về đấu thầu cũng được triển khai hiệu quả.
Đáng chú ý, báo cáo của các địa phương cho thấy, thông qua công tác đấu thầu, nhất là hình thức đấu thầu rộng rãi, đã góp phần tiết kiệm một phần ngân sách không nhỏ cho quốc gia, địa phương.
Chia sẻ về vai trò của việc công khai, minh bạch thông tin trong đấu thầu, bà Đỗ Thị Bích Thủy, tư vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) cho biết: “Có một câu chuyện đáng quan tâm là thông qua đấu thầu với sự tham gia giám sát của cộng đồng, vừa qua một huyện miền núi phía Bắc đã xây dựng được con mương tưới tiêu với chi phí rẻ hơn nhiều so với con mương đã được đầu tư xây dựng trước đó cũng tại địa phương này mà không qua đấu thầu cạnh tranh”.
Đấu thầu qua mạng đã và đang được áp dụng ngày càng phổ biến trên thế giới, là cách thức tối ưu để đạt được sự cạnh tranh, minh bạch, công bằng thực sự trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tiết kiệm thời gian và chi phí. Để tăng cường công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu, Luật Đấu thầu 2013 đã bổ sung nhiều quy định cụ thể và có hẳn một chương về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng. Một chuyên gia kinh tế đã khẳng định: “Nếu Việt Nam triển khai đấu thầu qua mạng cho 100% gói thầu thì có thể tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách”.
Trung Hiếu
Người đăng: T.An