• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Không thể kéo dài biện pháp hành chính trong chính sách tiền tệ Tin có hình

(Chinhphu.vn) - Nhiều chuyên gia ghi nhận những kết quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, nhất là kiềm chế lạm phát. Nhưng về dài hạn thì không thể kéo dài việc áp dụng các biện pháp hành chính trong và làm quá nhiều mục tiêu một lúc.

Đây là những nội dung được đưa ra tại buổi tọa đàm: "Nhìn lại điều hành chính sách của NHNN 2011- 2013: Những kết quả và thách thức", do NHNN vừa tổ chức.
Các ý kiến tại tọa đàm cho rằng, trong 3 năm qua, việc điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần giúp kiềm lạm phát ở mức thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, tỷ giá tương đối ổn định, thiết lập lại trật tự thị trường vàng.
Nhưng hệ thống ngân hàng vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết như: Tình trạng nợ xấu; sở hữu chéo, những nguy cơ về rủi ro tỷ giá, thực hiện nhiều quá mục tiêu khiến hiệu quả có tính bền vững không cao.
Không thể kéo dài biện pháp hành chính
TS. Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, nhận định: Thách thức lớn trong việc điều hành của NHNN là bên cạnh việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát còn phải chú ý đến thúc đẩy tăng trưởng. Có thể nói, việc theo đuổi chính sách đa mục tiêu sẽ làm giảm hiệu quả điều hành của NHNN. 
Về mặt dài hạn trong điều hành chính sách tiền tệ, TS. Tô Kim Ngọc khuyến nghị: Việc áp dụng cơ chế can thiệp lãi suất chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn khi mức độ phát triển thị trường tài chính còn sơ khai, các công cụ kiểm soát gián tiếp chưa phát huy được hiệu quả.
Nếu sử dụng biện pháp hành chính kéo dài, trong dài hạn, thị trường sẽ gặp những bất hợp lý như các doanh nghiệp và hộ gia đình không được hưởng mức lãi suất phù hợp cho tiết kiệm, còn các TCTD không có động cơ cải thiện các hoạt động của mình và có xu hướng tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có quan hệ mật thiết với ngân hàng, bỏ rơi hệ thống các doanh nghiệp nhỏ.
Đặc biệt, từ cuối năm 2012 và sang năm 2013, khi kinh tế khó khăn, nhiều TCTD có xu hướng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thay vì cấp tín dụng cho nền kinh tế. Điều này đã hạn chế phần nào nỗ lực của NHNN trong việc đẩy vốn ra cho hệ thống doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Về tái cơ cấu hệ thống, một số chuyên gia vẫn băn khoăn về tính hiệu quả. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: Dù thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện, rủi ro ngân hàng đã giảm đáng kể, nhưng việc quy định một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ được phép sở hữu tối đa 20% tỷ lệ cổ phần của ngân hàng Việt Nam là tỷ lệ quá ít, nên không thể nắm quyền điều hành. Những định chế tài chính quốc tế có kinh nghiệm sẽ gặp hạn chế không nhỏ khi muốn tham gia thay đổi quản trị cơ bản của các ngân hàng yếu kém.
Ngân hàng đã bớt “ăn lãi”
Khẳng định mức chênh lệch lãi suất đã được thu hẹp đáng kể, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Lãi suất cho vay phổ biến đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 7-9%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước là 9-10,5%/năm; mức lãi suất cho vay cùng lĩnh vực này ở khối NHTMCP chỉ nhỉnh hơn với lãi suất 9,5-11,5%/năm, thậm chí chỉ 6,5-7%/năm với doanh nghiệp làm ăn tốt.
Cũng về vấn đề này, nhiều chuyên giá đánh giá, ngân hàng đã bớt “ăn lãi” hơn nhiều so với trước đây.  Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng: Sau khi trừ chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên và chi phí quản lý và một số chi phí khác thì NH chỉ lãi khoảng 1,8%/năm, lãi của hệ thống ngân hàng thực tế không lớn như nhiều người nghĩ.
 
 
 
Anh Minh
Nguồn: chinhphu.vn
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)