Yêu cầu cao về minh bạch hóa
Trong TPP, các quốc gia đều đưa ra nhiều nguyên tắc về tăng cường minh bạch hóa như đăng tải mọi dự thảo pháp luật trên một trang thông tin điện tử duy nhất, cho phép khu vực doanh nghiệp tham gia ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách, cho phép các đối tượng có quan tâm được đóng góp ý kiến vào các nội dung được thảo luận ở các Ủy ban của TPP trong tương lai. Những quy tắc về “minh bạch” này còn được đàm phán và xác định cụ thể trong nhiều chương của TPP.
Cụ thể, đối với Chương Mua sắm chính phủ, Việt Nam đã đàm phán và thống nhất cùng với các nước TPP đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về mua sắm công của các cơ quan chính phủ (được gọi là phần Lời văn). Quy tắc chủ yếu của Chương này là: đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh, cơ bản sẽ sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước TPP; việc tổ chức lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ nguyên tắc đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử giữa hàng hoá, dịch vụ, nhà thầu trong nước và hàng hoá, dịch vụ, nhà thầu từ các nước TPP; khuyến khích áp dụng đấu thầu điện tử; minh bạch thông tin và thủ tục trong tất cả các khâu của quá trình lựa chọn nhà thầu; bảo đảm liêm chính trong quá trình lựa chọn nhà thầu và xây dựng quy trình giải quyết kiến nghị của nhà thầu.
Đối với Chương Doanh nghiệp nhà nước (DNNN), TPP đã đạt được đồng thuận với các nghĩa vụ chính như: các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố; nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
Còn trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư, nghĩa vụ chính là không phân biệt đối xử, bao gồm: không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau (dành đãi ngộ tối huệ quốc) và không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ trong nước với nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ nước ngoài (dành đãi ngộ quốc gia). Tức là, Việt Nam cho phép nhà đầu tư trong nước được hoạt động kinh doanh như thế nào, với các điều kiện ra sao thì cũng áp dụng như thế cho các nhà đầu tư từ các nước TPP.
Minh bạch thông tin về doanh nghiệp nhà nước
Theo đánh giá của Đoàn đàm phán Việt Nam, tham gia TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế trong đó có thể chế kinh tế thị trường, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán cho biết: tham gia TPP giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
“Với những tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước, TPP sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Trước băn khoăn về quy định minh bạch thông tin của DNNN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, TPP không bắt buộc DNNN công khai giao dịch của mình. Những gì thuộc về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không ai được quyền đòi hỏi. Chỉ khi nào DNNN có biểu hiện đang được hỗ trợ quá mức từ nhà nước, gây tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư giữa các bên, khi đó mới phải công khai thông tin. Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, tuy nhiên, “yêu cầu công khai thông tin cũng chỉ xảy ra giữa các chính phủ với nhau, không đơn thuần là việc bắt buộc các DNNN phải công bố các thông tin, bởi vì hầu hết những thông tin cần công bố đã có trong báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố”.
T. Kiên
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An