(Baodautu.vn) Các chính sách thuế mới vừa được Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành tác động đến doanh nghiệp và ngân sách nhà nước thế nào là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đặt ra với bà Nguyễn Vân Chi, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế).
Thưa bà, Thông tư 151/2014/TT-BTC và Nghị định 91/2014/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp (DN) được tính vào chi phí đối với khoản chi có tính chất phúc lợi. Tuy nhiên, DN và cả cơ quan thuế sẽ rất khó thực hiện vì hướng dẫn của Bộ Tài chính không liệt kê hết các khoản chi có tính chất phúc lợi?
Kể từ ngày 15/11/2014, DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi có tính chất phúc lợi, chi trực tiếp cho người lao động như chi đám hiếu, đám hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát; chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, ốm đau, tai nạn; chi khen thưởng cho con của người lao động có thành tích học tập tốt...
|
|
|
|
Bà Nguyễn Vân Chi, Vụ trưởng Vụ Chính sác, Tổng cục Thuế |
|
Khi xây dựng Thông tư, chúng tôi đã cố gắng liệt kê hết các khoản mà DN chi cho người lao động có tính chất phúc lợi, nhưng không thể liệt kê hết được, vì các khoản chi có tính chất phúc lợi rất phong phú, đa dạng. Ví dụ, chi cho con người lao động nhân ngày 1/6, Trung thu hay chi cho chị em phụ nữ trong DN nhân ngày 8/3, 20/10...
Về bản chất, các khoản chi này cũng là chi phúc lợi và chi trực tiếp cho người lao động, nên mặc dù Thông tư 151/2014/TT-BTC không liệt kê các khoản chi này, thì DN vẫn được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN nếu bảo đảm điều kiện là chi trực tiếp cho người lao động và khoản chi này mang tính chất phúc lợi. Khi triển khai chính sách thuế mới, nếu có các khoản chi phúc lợi khác phát sinh mà DN và cơ quan thuế địa phương gặp vướng mắc, Tổng cục Thuế sẽ có công văn hướng dẫn cụ thể.
Việc chi phúc lợi cho khoản nào, chi bao nhiêu tùy thuộc vào quyết định của ban lãnh đạo DN, nhưng tổng số khoản chi có tính chất phúc lợi không được vượt quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN.
Phải tới ngày 15/11/2014, Nghị định 91/2014/NĐ-CP và Thông tư 151/2014/TT-BTC mới có hiệu lực, vậy những khoản chi có tính chất phúc lợi mà DN thực tế đã chi rồi, thì xử lý thế nào?
Từ ngày 15/11/2014 các chính sách về thuế mới được ban hành mới có hiệu lực, tuy nhiên, đối với các quy định liên quan tới thuế thu nhập DN được áp dụng kể từ kỳ tính thuế năm 2014, nên các khoản chi trực tiếp cho người lao động mang tính chất phúc lợi trong cả năm 2014 vẫn được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ. DN nào chưa chi thì có thể chi tiếp, miễn là bảo đảm không được vượt quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế.
DN được tính thêm chi phí được trừ khiến số thuế thực tế phải nộp giảm đi. Thưa bà, điều này tác động thế nào tới số thu ngân sách nhà nước trong năm nay?
Chắc chắn là số thu ngân sách bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều lắm.
Trong trường hợp DN đã nộp quá số thuế phải nộp sau khi tính ưu đãi theo chính sách mới, thì xử lý thế nào?
DN quyết toán thuế theo năm, tạm nộp theo quý, bây giờ mới là đầu quý IV, tức là DN mới tạm nộp thuế 3 quý đầu năm, nên số thuế tạm nộp thừa so với ưu đãi của chính sách thuế mới nếu có cũng không nhiều.
Giả sử sau khi quyết toán thuế năm 2014 (chậm nhất là ngày 31/3/2015), trong trường hợp DN nộp quá nghĩa vụ của họ với ngân sách thì theo Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn lại tiền thuế cho DN, hoặc thực hiện bù trừ vào bất cứ khoản thuế nào mà DN phải nộp vào kỳ tính thuế tiếp. DN được quyền lựa chọn phương án hoàn thuế hay bù trừ tiền thuế của kỳ nộp thuế tiếp theo.
Theo quy định mới, DN có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống được kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quý, thay vì theo tháng như hiện nay. Sẽ có bao nhiêu DN được hưởng chính sách ưu đãi này và chính sách này tác động thế nào đến thu ngân sách, thưa bà?
Hiện tại, DN có doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 20 tỷ đồng trở xuống được kê khai, nộp thuế GTGT theo quý, thay vì theo tháng như trước đây. Với chính sách này, theo ước tính của chúng tôi, có khoảng 84% số doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo quý.
Nghị định 91/2014/NĐ-CP và Thông tư 151/2014/TT - BTC nâng mức doanh thu nộp thuế GTGT theo quý từ mức tối đa 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng, theo ước tính sẽ có khoảng 91% số DN hiện nay được kê khai, nộp thuế GTGT theo quý.
Việc nâng mức doanh thu nộp thuế GTGT từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng từ hàng tháng sang hàng quý không ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Chính sách này khi mới đi vào áp dụng, ngân sách bị giảm thu, do luồng tiền vào bị chậm lại khoảng 3 tháng, nhưng sau đó sẽ trở lại bình thường.
Dù đến ngày 15/11/2014, chính sách thuế mới mới có hiệu lực, song kể từ quý IV/2014, DN có doanh thu từ bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ năm 2013 đến 50 tỷ đồng đã được kê khai, nộp thuế GTGT theo quý thay vì theo tháng.
Mạnh Bôn
Người đăng: T.An